Tắm nước lạnh hay nước nóng

Mùa hè thường mọi người tắm nước lạnh cho mát, nhưng cũng có nhiều người chỉ thích dùng nước nóng. Cũng có người tắm được cả nước lạnh trong mùa đông.

Thực ra, tắm cũng là một biện pháp dưỡng sinh, nên tuỳ cơ ứng biến với cả nước nóng và nước lạnh.

Tắm có thể điều chỉnh cơ thể khá mạnh. Cái nóng nực, bức bối của mùa hè có thể xua đi nhanh chóng bằng mấy gáo nước lạnh. Những người thân nhiệt nóng, cũng thường thích hạ nhiệt bằng tắm nước mát.

Ngược lại, những người thân nhiệt lạnh, cơ thể yếu hoặc đang có bệnh, thường sợ tắm, sợ nước lạnh. Sợ nước thì cũng không nên tắm nhiều. Nhưng có thể khắc phục bằng cách dùng nước ấm và đặc biệt thêm các thành phần dương tính như muối, gừng hoặc tinh dầu nóng, giúp cơ thể thích tắm hơn, vì những loại phụ gia này giúp đẩy được hàn khí trong cơ thể ra ngoài.

Một số bệnh đơn giản như cảm mạo, ho hen, … có thể dùng bài nước lá xông rất hiệu quả. Đun một nồi nước lá xông, dùng hơi nước nóng xông cả người, cho ra mồ hôi. Các khí độc, khí bệnh cũng theo mồ hôi mà được đẩy ra ngoài.

Lá xông có thể mua ngoài chợ, hoặc tự tìm, bao gồm những thứ như: lá tre, lá sả, lá bưởi (hoặc vỏ bưởi), ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô, mỗi loại 10 – 20 g hoặc một nắm to.

Nếu không thích xông cả người, bạn có thể chỉ cần xông chân. Đun một nồi nước với gừng và muối, cho vào hai cái xô. Mỗi xô cho một, hai viên gạch. Mỗi bên xô, cho một chân vào, dẫm lên gạch, và bọc kín xô với chân lại.

Các độc tố trong cơ thể thường tích tụ xuống chân, chẳng thế mà có nhiều người chân rất hôi. Nếu không xông, bạn cũng nên thường xuyên ngâm chân với nước muối nóng.

Những người khoẻ mạnh, nên trải nghiệm cả bài tắm nước lạnh. Tắm nước lạnh trong mùa đông, có thể chỉ là một vài gáo cho người tỉnh táo, rồi bạn lại tắm nước ấm lại bình thường. Nước lạnh kích thích thần kinh, giúp lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch.

Cuối cùng, chúng ta cần biết, tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vì nước là âm, đêm cũng là âm, nếu thêm một chút gió thì sẽ càng âm nặng. Những cái âm đi với nhau sẽ kéo cơ thể bạn xuống rất sâu, gây nguy hiểm.

Ăn cơm cho no

Như đã hứa, hôm nay chúng ta cùng bàn về cơm-gạo. Cơm-gạo nhẽ ra phải được nhắc đến trước ngô-khoai.

Giới thiệu với các bạn khái niệm “tháp dinh dưỡng”. Nhìn vào tháp dinh dưỡng, chúng ta sẽ thấy phần đáy, phần cần được “ăn nhiều nhất”, chính là ngũ cốc và các loại củ, nói nôm na là gạo-ngô-khoai-sắn.

Tiếp đến lần lượt là các phần “ăn nhiều” gồm rau-củ-quả, phần “ăn vừa” gồm thịt-cá, phần “ăn ít” gồm dầu-mỡ-đường-muối.

Cơm-gạo quan trọng như thế, nhưng không hiểu sao lại có một “phong trào” ăn cơm ít và một “nỗi ám ảnh” về ăn cơm sẽ tăng cân.

Thật ra nguồn gốc của béo phì, chính là ở sự thiếu hiểu biết về tháp dinh dưỡng. Chúng ta cần phải ăn đủ các thành phần và mỗi thành phần với một tỷ lệ phù hợp.

Khi chúng ta ăn thực phẩm chế biến công nghiệp và ăn đơn điệu, thì dù có ăn no chúng ta cũng vẫn luôn cảm thấy “thiêu thiếu”. Cảm giác “thiêu thiếu” này là do cơ thể thiếu các khoáng chất vi lượng.

Các khoáng chất vi lượng này đặc biệt có nhiều ở vỏ cám của gạo, có trong các loại ngũ cốc và trong rau-củ-quả thô chưa qua chế biến.

Cảm giác “thiêu thiếu” này đôi khi biến thành cảm giác “nhanh đói”, làm chúng ta hay ăn vặt hoặc ăn nhiều bữa. Đây là lúc cơ thể bắt chúng ta ăn thêm để tìm kiếm các khoáng chất vi lượng. Nếu chúng ta tiếp tục ăn như cũ, ăn đơn điệu, thì cảm giác no mà vẫn thấy “thiêu thiếu” cứ tiếp diễn mãi, dẫn đến tăng cân và béo phì.

Nếu chúng ta biết “ăn cơm cho no”, đặc biệt là ăn cơm gạo lứt (gạo có vỏ cám) và ăn thêm cho đủ các thành phần rau-củ-quả, đặc biệt là các loại hạt và củ cứng, chứa nhiều khoáng chất vi lượng, thì có thể ăn no mà chẳng bao giờ sợ tăng cân.

Gạo lứt là một lựa chọn tốt, nhưng không phải ai cũng biết ăn. Nếu ăn được, bạn sẽ cảm nhận rõ trạng thái “no lâu và không thèm ăn vặt” của cơm gạo lứt.

Nếu không quen ăn cơm gạo lứt, bạn có thể ăn cơm trắng, nhưng cần bổ xung thêm cho đủ các loại ngô-khoai-sắn và rau-củ-quả thô.

Ngô luộc nóng hổi

“Ngô, khoai, sắn” từng được coi là thức ăn độn, thời thóc gạo thiếu phải nấu cùng cơm, để ăn cho no. Ngô, khoai, sắn là những thực phẩm quê mùa, mộc mạc và dễ bị coi thường vì nó còn được dùng để làm thức ăn cho gia súc.

Trong các loại thức ăn, cơm gạo vẫn là thực phẩm hạng nhất, gạo được ví như là hạt ngọc của trời. Khi mời nhau dùng bữa, không cần biết hôm nay ăn gì, người ta vãn trân trọng nói “mời cụ xơi cơm”, “mời bác ăn cơm”, …

Chính vì thế, không phải cứ thực phẩm đắt tiền mới là quý. Thực ra, những cái gì dùng để ăn no được, ăn thường xuyên được mới đáng gọi là quý, đáng gọi là hạng nhất. Nếu gạo được ví như ngọc quý, thì ngô chắc chắn cũng phải là đá quý, là thực phẩm thượng hạng!

Sẽ có một bài riêng về “gạo”, hôm nay nhân có người ăn ngô mà không biết ngô quý thế nào, nên viết tạm vài dòng về ngô trước đã.

Ngô non luộc ăn có vị thơm ngọt, dễ ăn. Ngô già có thể say làm bột nấu cháo. Bột ngô giàu chất xơ, tốt cho tiêu hóa. Hạt ngô già có thể rang bung thành bỏng ngô, ăn có vị thơm giòn.

Ngô giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, giảm viêm, tăng hàm lượng chất sắt, cải thiện thị lực.

Nước râu ngô giúp điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, ngăn ngừa sỏi thận, giảm huyết áp và giảm lượng đường trong máu.

Chú ý khi luộc ngô: Bạn nhớ để lại râu ngô để luộc cùng. Cho nước 2/3 hoặc xâm xấp rồi bắc lên bếp đun, sôi lăn tăn thì cho thêm một chút xíu muối và một ít đường. Đường sẽ giúp tăng vị ngọt của ngô, muối giúp vị ngọt thanh hơn. Thay vì bỏ đường, bạn có thể cho vài khẩu mía chẻ nhỏ vào nồi luộc ngô.

Ngô luộc bắc ra, để nguội bớt, vừa thổi vừa ăn, ngon phải biết!

Đi chân đất… đi chân trần

Thời hiện đại, mọi người quen đi dép. Đi dép vì sợ bẩn, vì sợ đau, vì sợ dẫm phải cái này cái nọ, hãn hữu lắm mới đi chân đất một chút trên bãi cỏ hay ngoài bãi biển, nhưng là phải đi một cách rón rén.

Trong nhà dù đã lau sạch, cũng phải đi dép vì sợ lạnh chân, sợ cảm giác “ghê ghê” khi chân trần chạm đất.

Nhưng các bạn có biết không, chính cái cảm giác ghê ghê ở chân, cái cảm giác sàn sạn khi dẫm lên cát, cái cảm giác nhoi nhói khi dẫm lên sỏi, chính cảm giác kích thích khi đi chân đất – đi chân trần có tác dụng điều chỉnh cơ thể rất lớn.

Đi chân đất – đi chân trần kích thích các huyệt vị, kích hoạt các điểm điều chỉnh tuyệt vời ở lòng bàn chân. Sự va chạm khi bấm đầu ngón chân xuống đất sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon. Sự cọ sát vào các khe ngón chân sẽ giúp bạn có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Sự nhói đau khi dẫm lòng bàn chân vào sỏi sẽ giúp bạn cải thiện hệ tiêu hoá. Sự điều chỉnh cổ chân khi giữ thăng bằng và sự chịu lực ở gót chân sẽ giúp bạn đỡ mỏi gối, đỡ đau lưng.

Bản thân mình là người thích đi chân đất, nên đã phát hiện ra là các nhà vệ sinh hiện đại rất ít khi làm vòi nước dưới thấp để rửa chân. Dù không có vòi nước, thì các bạn cũng nên thường xuyên rửa chân nhé, rửa thật kỹ, kỳ cọ bàn chân, ngón chân và cổ chân, sẽ giúp giảm mệt mỏi, thư giãn và điều chỉnh cảm xúc cho bạn một cách đáng kể.

Ăn như uống thuốc

Có câu: “ăn như uống thuốc và uống thuốc như ăn”.

“Uống thuốc như ăn” là nên uống những loại thuốc lành tính, có thể dùng như là thức ăn. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đã cẩn thận chọn dùng Đông y.

Tuy nhiên, “ăn như uống thuốc” mới là lựa chọn tốt. Thực phẩm cũng có tính âm dương ngũ hành. Biết cách ăn uống chính là “thực dưỡng”, dùng thực phẩm để dưỡng sinh, cân bằng lại cơ thể, hỗ trợ cho điều trị.

Thực phẩm có tính âm thường là loại có nhiều nước, mềm, dẻo, khả năng trương nở lớn như: mồng tơi, rau dền, cà, măng, khoai, bí và trái cây nhiệt đới.

Cây dễ trồng, nhanh lớn, rễ chùm, mọc bò lan trên mặt đất, nấu nhanh chín thường có tính âm. Ngược lại, cây lớn chậm, rễ đâm sâu, thân mọc thẳng, hạt rắn chắc, nấu lâu chín thường có tính dương.

Thực phẩm có tính dương thường là: gạo lứt, ngô, đỗ xanh, đỗ đỏ, cà rốt, muối biển.

Nếu bạn ăn nhiều thịt (tính dương), bạn sẽ thèm trái cây, bia, nước ngọt (tính âm) để trung hòa.

Khi ăn quân bình, bạn sẽ thấy nước tiểu có màu vàng như bia, không quá đặc hay quá trong; phân có khuôn màu vàng sậm, không đen và táo bón, cũng không lỏng và xanh.