Rau muống luộc

Rau muống có giá cả bình dân, nhưng lợi ích sức khoẻ thì lại không “bình dân” chút nào.

Theo Đông y, rau muống bổ dạ dày, đường ruột, có công dụng thanh nhiệt giải độc, cầm máu, lợi tiểu, ngăn ngừa kiết lỵ và chữa đau răng.

Kali trong rau muống có tác dụng giảm huyết áp. Đôi khi chỉ cần uống một bát nước rau muống luộc là huyết áp đã giảm. Rau muống là loại thực phẩm có tính kiềm, hỗ trợ tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.

Hai cách chế biến thường dùng nhất của rau muống là luộc và xào.

Khi luộc chú ý nước sôi già mới cho rau vào, cho ngập nước và thêm chút muối, khi vớt rau ra thì có thể cho thêm quả sấu vào đun làm canh chua.

Khi xào rau muống, nên xào nhanh với lửa lớn để tránh mất chất. Rau muống thường xào với tỏi và khi bắc ra để nguội có thể vắt thêm chút chanh ăn sẽ rất vừa miệng.

Uống nước ấm

Uống nước lạnh tuy đã cơn khát, thoả cơn thèm, nhưng lại không thật tốt cho cơ thể. Tính chất của nước thiên về âm hàn. Thường xuyên uống nước lạnh hoặc nước đá dễ làm tổn thương dương khí của tỳ vị, khiến dạ dày khó chịu.

Đông y cho rằng uống nước ấm có tác dụng làm nóng dương khí trong cơ thể, có lợi có việc hấp thụ của dạ dày và ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tuần hoàn máu, trao đổi chất của cơ thể. Ngoài nước ấm, các loại thức ăn đun chín nấu sôi đều rất dễ hấp thụ và lành tính đối với cơ thể. Chẳng phải vô cớ mà ai cũng thấy ngon miệng khi được ăn nóng, thậm chí vừa ăn vừa thổi. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng ăn nóng quá, làm tổn hại đến thực quản và niêm mạc dạ dày.

Biết nói chuyện với một người lạ

Ai cũng từng trải qua những phút giây cảm thấy trống vắng, cô đơn, đó là những lúc ta mong nghĩ đến những người thân, những người tri kỷ. Nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải cần có họ, lúc nào cũng phải ở bên những người biết và hiểu ta. Cuộc đời thật ra rất đơn giản, có thể chỉ cần nói chuyện với một người lạ, chúng ta đã cảm nhận rõ cảm giác hạnh phúc, tuy là nhất thời nhưng rất cần thiết.

Giao lưu tiếp xúc có thể là với một người bất kỳ trên mạng, nhưng tốt nhất là đối thoại trực tiếp. Chỉ đơn giản là cùng ăn tối hay ngồi uống trà với nhau. Những xúc cảm về tinh thần cũng như những cảm giác khoẻ mạnh về thể chất chỉ có thể có được thông qua những giao tiếp trực tiếp ngoài đời.

Tục ngữ có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những người hàng xóm và đồng nghiệp mà chúng ta ngày nào cũng gặp đóng một vị trí quan trọng trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không nên bỏ qua, dù cho đồng nghiệp và hàng xóm không phải là những mối quan hệ có ý nghĩa và sâu đậm. Chỉ một cái mỉm cười, một lời nói thân thiện có thể cải thiện rất nhiều chất lượng cuộc sống.

Nghệ thuật trị liệu

Ngày càng có nhiều người tìm kiếm các phương pháp trị liệu tinh thần để mong giảm bớt những áp lực và căng thẳng của cuộc sống. Trải nghiệm nghệ thuật là một phương pháp trị liệu tuyệt vời, nó có thể khơi dậy nhiều cảm xúc tích cựcvà mang lại sự bình yên cho tâm hồn.

Để nhận được lợi ích sức khỏe từ liệu pháp nghệ thuật, bạn chỉ đơn giản là bỏ sang một bên những bộn bề của cuộc sống, ngồi xuống, thả lỏng và bắt đầu vẽ, nặn tượng, hay sử dụng một phương pháp nghệ thuật nào đó để bắt đầu làm ra một sản phẩm mỹ thuật của riêng mình.

Quá trình sáng tạo của bạn thường sẽ được giám sát bởi các nhà trị liệu nghệ thuật, họ được đào tạo để giúp bạn điều hướng cảm xúc và giúp bạn chọn phương tiện hỗ trợ tốt nhất cho hành trình của bạn. Họ sẽ không áp đặt định nghĩa nghệ thuật lên bạn, họ chỉ đơn giản là người hướng dẫn nhưng kết quả cuối cùng sẽ làm bạn vô cùng bất ngờ.

Dùng bút chì, giấy, màu nước hay đất sét để sáng tạo nghệ thuật, bạn sẽ tìm thấy một con người mới sâu trong mình. Nghệ thuật giúp bạn nói lên những điều bạn không thể nói, thể hiện cảm xúc mà không cần phải dùng lời. Với những người ít nói, ngại giao tiếp, hoặc thậm trí là bị trầm cảm, thì liệu pháp nghệ thuật giống như một công cụ giúp họ mở cửa trái tim với thế giới bên ngoài.

Bạn cảm thấy lo lắng vì tác phẩm của mình không thực sự là nghệ thuật? Không cần bận tâm! Các nhà trị liệu nghệ thuật không bao giờ phân tích những gì bạn tạo ra. Thay vào đó, họ sẽ cùng bạn suy ngẫm về những trải nghiệm cá nhân và diễn giải những gì chúng ta cảm nhận được. Họ sử dụng nghệ thuật của bạn như một con đường để chữa lành cho tâm hồn của chính bạn.

Âm nhạc chữa bệnh

Người xưa cho rằng âm nhạc cũng là dưỡng sinh. Có thể sử dụng thuộc tính âm dương trong âm nhạc để uốn nắn lại những gì bị thiên lệch, bị mất cân bằng trong cơ thể.

Học thuyết “Ngũ tạng đồng âm” chính là nói ngũ âm phù hợp tương ứng với ngũ tạng. Ngũ âm là năm bậc âm giai cổ: Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, Vũ, tương ứng với ngũ hành là thổ, kim, mộc, hỏa, và thủy. Cụ thể, Cung âm nhập (đi vào) tỳ, Thương âm nhập phổi, Giốc âm nhập gan, Chủy âm nhập tim, Vũ âm nhập thận.

Cung âm được xếp hạng thuộc loại cao, có liên hệ với thổ, và ảnh hưởng đến bộ phận tỳ. Những người thường xuyên nghe loại nhạc lấy cung thanh làm chủ thì sẽ trở nên tốt bụng và khoan dung.

Âm điệu của dây Thương là nặng nề, giống kim khí, không bị bẻ cong. Loại âm nhạc này ảnh hưởng đến phổi. Nếu nghe thường xuyên thì người ta sẽ trở nên chính trực và thân thiện.

Âm nhạc lấy căn bản là dây Giốc thì chào mừng mùa xuân tới và đánh thức mọi đời sống trỗi dậy sảng khoái. Loại nhạc này ảnh hưởng tới gan. Nghe nó thì người ta sẽ trở nên lương thiện và hòa giải.

Âm nhạc với dây Chủy làm chủ là rất sôi nổi về tình cảm, giống như hỏa. Nó ảnh hưởng đến tim, khiến cho người nghe nó trở nên rộng lượng.

Âm điệu lấy dây Vũ làm chủ là u sầu, giống như nước chảy êm đềm. Nó ảnh hưởng đến thận. Lắng nghe những âm điệu này làm cho người ta cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng, “buồn nhưng không đau khổ”, “vừa ý nhưng không quá mức”.

Bởi vậy, cổ nhân căn cứ vào từng loại chứng bệnh, căn cứ vào học thuyết âm dương ngũ hành mà lựa chọn loại âm nhạc thích hợp để đạt được hiệu quả dưỡng sinh tốt nhất.