Chúng ta có thể hồ hởi, tươi cười với một người dưng, nhưng lại hờ hững, thiếu quan tâm với những người thân quen.
Chúng ta có thể dành sự kiên nhẫn, bao dung, cung kính cho những người xa lạ, nhưng lại nông nổi, trách móc và hà khắc với những người thân quen.
Tại sao lại thế?
Phải chăng vì chúng ta cho rằng những người thân quen sẽ chẳng bao giờ rời xa, chẳng bao giờ bỏ mình mà đi?
Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải quan tâm, lắng nghe và chịu đựng tất cả những gì gọi là hờn giận và uất hận chất chứa trong lòng chúng ta, đang được dịp bùng phát ra?
Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải bao dung, vị tha và bỏ qua cho những lỗi lầm của chúng ta?
Cuộc đời, xét cho cùng, chính là những nghịch lý.
Với người lạ, chúng ta luôn có những vỏ bọc, rào chắn. Dường chúng ta luôn hoàn hảo, lịch sự và đáng yêu.
Nhưng với người quen, khi không có vỏ bọc, những cái xấu của chúng ta, dù nhỏ cũng dễ dàng bộc lộ ra, thậm chí còn bị thổi phồng lên. Từ một người đáng yêu, chúng ta có thể trở thành thô lỗ, cục cằn, hay cằn nhằn, trách móc.
Không phải chúng ta đã thay đổi, không phải chúng ta đạo đức giả. Chúng ta vẫn thế, chỉ là chúng ta không hoàn hảo.
Vậy phải làm thế nào? Có hai cách.
Cách thứ nhất, chính là coi mọi người như “người lạ”, để kính trọng, nhường nhịn, để bao dung, tha thứ. Thậm chí, chúng ta phải học cách để có thể kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ.
Cách thứ hai, học và làm theo câu “thất bại là mẹ của thành công”. Nếu chúng ta biết chấp nhận, biết hy sinh, biết nhẫn nhịn, biết lấy cái sai của người làm bài học của mình, thì thành công sẽ đến, hoà thuận sẽ trở lại và cả hai đều sẽ trở nên tốt hơn.
Sửa mình bao giờ cũng dễ hơn sửa người. Với người thì hãy kính trọng và khiêm nhường.