Hệ tiêu hóa dưới góc nhìn của Y học cổ truyền

Mặc dù nhiều thuật ngữ Đông y về cách thức hoạt động của hệ tiêu hóa khác với Tây y, nhưng các nguyên tắc cơ bản vẫn tương tự: Ăn thực phẩm lành mạnh, tươi nguyên, hạn chế đồ ăn vặt, ăn các bữa cân bằng dinh dưỡng và nhai chậm rãi để thưởng thức.

Mỗi cơ quan trong hệ tiêu hóa có những dấu hiệu phản ánh sức khỏe tổng thể của bạn. Bác sĩ Y học cổ truyền xem xét từng dấu hiệu này để chẩn đoán trạng thái hàn nhiệt của bạn, bệnh lý của bạn và cho bạn lời khuyên về loại thực phẩm bạn nên ăn hay cần tránh.

Lưỡi / Miệng

Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng. Khi bạn đến khám tại một phòng khám Y học cổ truyền, đừng ngạc nhiên khi bạn được yêu cầu lè lưỡi. Lưỡi là cơ quan nội tạng duy nhất mà bác sĩ Đông Y có thể yêu cầu khám.

Quan sát màu sắc của lưỡi (nên có màu hồng), lớp phủ trên lưỡi (phải mỏng và trắng), hình dạng và kích thước của lưỡi cho bác sĩ thấy manh mối về những gì đang xảy ra trong cơ thể bạn.

Ví dụ, nếu bạn bị sưng lưỡi với một lớp phủ dày trên bề mặt, thì có lẽ bạn đang mắc chứng đầy hơi. Bác sĩ Đông y sẽ yêu cầu bạn hạn chế hoặc tránh các thực phẩm như sữa, lúa mì và chuối.

Nếu lưỡi của bạn đỏ, khô và mỏng, các triệu chứng của bạn có thể bao gồm chứng ợ nóng, táo bón hoặc trĩ và bác sĩ Đông y sẽ khuyên bạn nên tránh ăn thức ăn cay.

Dạ dày

Hãy theo dõi quá trình tiêu hóa thức ăn từ miệng đến dạ dày. Đông y hình dung dạ dày như một cái nồi nấu ăn. Sau quá trình tiêu hóa bắt đầu tại miệng, thức ăn đến dạ dày sẽ được tiêu hóa tiếp tục.

Vì nồi cần lửa hoặc nhiệt để nấu thức ăn, Đông y khuyến cáo tránh cho thức ăn quá lạnh như kem và nước đá vào trong đó. Để việc tiêu hóa dễ dàng hơn, bạn hãy cho vào “nồi” món rau hấp và trong mùa lạnh thì “cái nồi” này cần nhiều súp và món hầm hơn.

Nếu bạn không có đủ lửa để tiêu hóa, quá trình trao đổi chất của bạn có thể diễn ra rất chậm. Các triệu chứng có thể bao gồm đầy hơi, tiêu phân sống và đau quặn bụng.

Nhưng nếu lửa tiêu hóa quá nhiều, có thể bị ợ chua hoặc táo bón.

Bởi vì thức ăn có thể có tính ấm hoặc tính mát bẩm sinh, bạn nên ăn thức ăn phù hợp với thể chất của mình cũng như với thời tiết. Ví dụ, thức ăn cay có tính nóng, nhưng quá nhiều có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa. Các loại thực phẩm làm ấm phù hợp hơn gồm có gừng, quế, thì là, khoai lang và yến mạch.

Nếu bạn có khuynh hướng có các dấu hiệu và triệu chứng về nhiệt (không nhất thiết chỉ cảm thấy nóng), bạn có thể cân nhắc thực phẩm làm mát như bạc hà, rau bồ công anh, rau mùi, táo, dưa hấu, đậu phụ, kê, lúa mạch, rau dền, rau diếp, dưa chuột và sữa chua.

Lá lách / Tuyến tụy

Cơ quan tiếp theo tham gia vào quá trình tiêu hóa là lá lách. Lá lách và tuyến tụy cùng được gọi là hệ thống lá lách. Hệ thống lá lách biến đổi thức ăn và chất lỏng thành các chất dinh dưỡng thiết yếu và vận chuyển những chất dinh dưỡng đó đến nơi cần thiết trong cơ thể.

Nếu bạn bị đầy bụng, phân mềm hoặc tiêu chảy, phân sống, mệt mỏi và kém ăn, bác sĩ Đông y của bạn có thể sẽ nói rằng hệ thống lá lách của bạn thiếu năng lượng. Phương pháp điều trị bao gồm các loại thực phẩm như bí, cà rốt, khoai mỡ, gạo nấu chín kỹ, gừng và một lượng nhỏ mật ong được thêm vào trong chế độ ăn uống của bạn, đồng thời hạn chế hoặc loại trừ sữa, cam quýt, thực phẩm có hàm lượng đường cao và thực phẩm chiên.

Gan

Gan giúp thanh lọc máu và giải độc cơ thể. Gan tiết ra mật được dự trữ trong túi mật để tiêu hóa chất béo. Chất béo kém chất lượng, hóa chất và thực phẩm biến tính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về gan. Ngoài ra, gan là cơ quan có chức năng xoa dịu và điều hòa hoạt động của toàn bộ cơ thể, bao gồm cả cảm xúc.

Một người có hệ thống gan mật hoạt động không tốt thường gặp khó khăn về cảm xúc như cáu kỉnh, bực bội, hung hăng, thiếu kiên nhẫn và dễ tức giận.

Rễ cây bồ công anh hoặc rau xanh, atiso và các loại thực phẩm giàu chất diệp lục như tảo xoắn, lúa mì có thể hữu ích. Vì căng thẳng đặc biệt có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề với hệ thống này, điều quan trọng là bạn phải tìm cách thư giãn và kiểm soát căng thẳng.

Ruột

Ruột non và ruột già hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải của quá trình tiêu hóa. Để hoạt động trơn tru, ruột phải có các tế bào khỏe mạnh và cơ trơn của ruột phải có khả năng co bóp nhịp nhàng (nhu động) để vận chuyển vật chất bên trong. Quá trình này cũng cần có đủ chất xơ và nước.

Nếu bạn bị táo bón, hãy tránh rượu, bánh mì lên men, thực phẩm có bột nở và thực phẩm có chất làm “trắng” tinh chế như bánh mì trắng, mì ống trắng, đường trắng và gạo trắng. Các loại thực phẩm thường dùng để chữa tiêu chảy mãn tính là gạo hoặc nước đun từ lúa mạch, tỏi tây, cà tím, hạt hướng dương và khoai mỡ.

Chúng ta nên ăn những loại thực phẩm nào? Theo Đông y, câu trả lời sẽ không cố định mà thay đổi từ người này sang người khác, cũng như từ mùa này sang mùa khác. Không có chế độ ăn uống hoàn hảo cho tất cả mọi người vì chúng ta không giống nhau và môi trường bên ngoài khác nhau cũng ảnh hưởng đến cơ thể của chúng ta.

(Dịch từ tiếng Anh, bản gốc xem tại đây).

Danh y Lý Thời Trân, người biên soạn ‘bộ sách lớn’ cho Y học cổ truyền

Lý Thời Trân (1518-1593), tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu). Ông là nhà y dược học vĩ đại của Trung Quốc xưa và của cả thế giới, viết nên cuốn sách trứ danh ‘Bản Thảo Cương Mục’.

Ông là con nhà thế y. Nguyện vọng của ông là trở nên một thầy thuốc cứu người giống như cha ông. Nhưng mà đương thời, địa vị người thấy thuốc rất thấp, nhà họ thường bị quan lại khinh khi. Vì vậy, cha ông quyết định cho ông học, thi cử làm quan cho có địa vị với người ta. Ông không dám cãi ý cha. Năm 14 tuổi, ông đỗ tú tài. Sau đó, ba lần thi cử nhân đều không đỗ. Ông bèn khẩn cầu cha xin cho ông được chuyên học y. Cha ông không biết làm thế nào, chịu cho ông làm theo nguyện vọng. Sau mười mấy năm học tập khắc khổ, năm trên 30 tuổi, ông đã là một thầy thuốc nổi tiếng.

Năm 1551, ông trị lành bệnh đứa con của Phú Thuận vương Chu Hậu Khôn nên càng nổi tiếng, được Sở vương Cha Anh Kiểm ở Vũ Xuống mời làm Phụng từ chính ở vương phủ, Kiêm chúc Lương y sở sự vụ. Năm 1556, ông lại được tiến cử đến công tác ở Thái y viện với chức vụ Thái y viện phán.

Trong thời gian này, ông có cơ hội xem khắp các điển tịch phong phú, các sách quí của vương phủ và hoàng gia, trích lục 1 không ít tư liệu, đồng thời đã xem được rất nhiều mẫu dược vật mà ngày thường khó thấy được, mở rộng tầm mắt, phong phú hóa lĩnh vực tri thức của mình. Nhung vì ông vốn không thích công danh nên làm việc ở Thái y viện không đầy năm lại từ chức về nhà chuyên tâm viết sách.

Lý Thời Trân viết tác phẩm trứ dạnh “Bản thảo cương mục”.

Trong quá trình mấy mươi năm hành nghề và duyệt đọc sách y cổ điển, ông phát hiện rằng sách bản thảo xưa còn có nhiều sai lầm nên quyết tâm biên soạn lại một bộ sách ‘bản thảo’. Năm 35 tuổi, ông sắp xếp chương trình công tác, sưu tập cùng khắp, rộng rãi, đọc một số lượng lớn sách tham khảo, bắt đầu biên soạn sách ‘Bản thảo cương mục’.

Để biết rõ hình trạng, tính chất, mùi vị, công hiệu, v.v… của một số dược vật, ông mang giỏ thuốc, dắt con và đồ đệ Bàng Khoang ‘tìm hỏi bốn phương’, đi qua vô số thâm sơn cùng cốc, trải 27 năm nỗ lực lao động gian nan khó nhọc, trước sau sửa đổi bản cảo ba lần, sau cùng mới hoàn thành bộ sách lớn dược vật học vang danh trong và ngoài nước này vào năm 1578. Lúc này, ông đã 61 tuổi.

Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân là một bách khoa thư, sưu tập và tăng bổ 952 nguồn tư liệu xa xưa về lĩnh vực y, dược, khoáng vật, dã kim, thực vật, và động vật. Trong từng tập bản thảo, Lý Thời Trân mô tả cách trị liệu cổ truyền của các dược thảo, động vật, khoáng vật. Ông mô tả ngoại hình của chúng, cách nuôi trồng, cách bào chế, các dược tính của chúng cũng như sự tương cận của chúng với các dược liệu khác, âm tính hay dương tính của chúng, và mức độ hiệu quả khi sử dụng chúng. Công trình đồ sộ này luôn được trân trọng trong giới y sư Trung y cũng như ở các trường y dược.

Năm 1596, cũng là năm thứ ba sau khi ông qua đời, bộ sách ‘Bản Thảo Cương Mục’ chính thức ra đời tại Kim Lăng (nay là Nam Kinh), lập tức cả nước được tin, giới y gia xem là của báu, tranh nhau mua sách. Không lâu sau, sách lưu truyền khắp thế giới. Bộ sách này chẳng những là một cống hiến to lớn cho sự phát triển ngành dược vật học Trung Quốc, mà còn có ảnh hưởng sâu xa đến sự phát triển các ngành y học dược học, thực vật học, động vật học, khoáng vật học, hóa học của thế giới. Ông cũng có nghiên cứu về mạch học và kỳ kinh bát mạch, có viết các quyển ‘Tần Hồ Mạch Học’ và ‘Kỳ Kinh Bát Mạch Khảo’ đều được lưu truyền của y gia hậu thế. Ông mất năm 1593, hưởng thọ 75 tuổi.

‘Thần y’ Hoa Đà với tài ‘phẫu thuật’ và ‘dưỡng sinh’

Danh y Hoa Đà nổi danh khắp nơi bởi kiến thức y học uy thâm, người đời còn dành tặng cho ông những tên gọi như “thần y”, “ông tổ của nghề phẫu thuật”… Tài năng của ông còn được biết đến qua nhiều lần khám chữa cho Lữ Bố, Tào Tháo…

Hoa Đà (145 – 208) xuất thân từ huyện Tiêu, nước Bái thuộc Bạc Châu, tỉnh An Huy (xưa kia là Dự Châu). Tự là Nguyên Hoá, ông nổi tiếng là một thầy thuốc cuối thời Đông Hán. Cùng Biển Thước, Lý Thời Trân và Trương Trọng Cảnh là Tứ đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Theo sử sách ghi, từ năm 7 tuổi Hoa Đà đã mồ côi cha, gia cảnh khó khăn nên mẹ của Hoa Đà đã gửi ông cho một người bạn của cha là Thái đại phu. Mặc dù với tư cách là bạn cũ nhưng Thái đại phu muốn tìm hiểu xem Hoa Đà có năng khiếu hay không. Vì vậy, trong một lần thấy các đệ tử của mình đang hái lá dâu, nhưng chỉ hái được phần bên dưới, những lá trên ngọn không cách nào leo lên được.

Thái đại phụ liền nói với Hoa Đà: “Con nghĩ xem cách nào hái những lá dâu ở trên ngọn không?”

Ngay lập tức, Hoa Đà lấy một sợi dây cùng viên đá nhỏ ném qua nhánh cây, lúc này ông chỉ việc kéo nhẹ sợi dây là có thể hái được những lá trên ngọn cây.

Một lần nữa, khi Thái đại phu nhìn thấy hai con dê đang tranh nhau, không ai dám lại gần tách chúng ra. Ông cho người gọi Hoa Đà tới và hỏi cách tách hai con dê. Hoa Đà đơn giản chỉ lấy hai nắm cỏ tươi vứt ra hai bên, hai con dê liền lập tức tách ra. Nhận thấy Hoa Đà là một đứa trẻ thông minh, Thái đại phu liền quyết định nhận ông làm đồ đệ.

Hoa Đà là một danh y thời Tam Quốc.

Sau khi được truyền dạy các phương pháp chữa bệnh, Hoa Đà còn du ngoạn khắp nơi nhằm nâng cao y thuật của mình. Mặc dù tinh thông y thuật toàn diện từ ngoại khoa, thủ thuật, thông hiểu kinh thư… Nhưng chưa một lần Hoa Đà được ghi danh bảng vàng.

Rất nhiều lần Tể tướng Trần Khuê và Thái uý Huỳnh Uyển đã tiến cử ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Chính bởi đối với danh y Hoa Đà “Dùng thuốc cứu người mới là đạo“.

Bài tập Ngũ Cầm Hí của Hoa Đà.

Ít ai biết rằng, thực tế danh y Hoa Đà còn là một võ sư, ông từng sáng lập nên một môn võ thuật là Ngũ cầm hí, giúp điều hoà khí huyết, cải thiện sức khỏe. Theo Bách khoa Trung Quốc có ghi: “Ngũ cầm hí là tập hợp các động tác mô phỏng theo 5 loại động vật gồm Hổ, gấu, hươu, khỉ, chim”.

Ngoài việc phòng thân và cải thiện sức khỏe, những người luyện môn võ này thường có tuổi thọ ngoài trăm tuổi, mắt vẫn sáng, răng chắc khỏe, tai không lãng…

Hoa Đà được biết đến như một vị “thần y” chữa bách bệnh. Ông tinh thông châm cứu, nội khoa tạp bệnh, ký sinh trùng bệnh, tiểu nhi và các khoa phụ sản đều thành thạo. Trước khi Tây y phát minh ra thuốc gây mê, danh y Hoa Đà đã phát minh ra Ma Phí Tán giúp việc phẫu thuật trở nên dễ dàng, ít gây đau đớn hơn.

Hoa Đà phẫu thuật vai cho Quan Vũ.

Theo tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, danh y Hoa Đà được biết đến tới giai thoại chữa bệnh cho Quan Vũ. Trong một lần Quan Vũ bị tên bắn trọng thương, Hoa Đà cho Quan Vũ dùng Ma phí tán, sau đó mổ vai để nạo chật độc. Rất nhiều người chứng kiến Quan Vũ có thể vừa phẫu thuật mà vẫn bình thản đánh cờ lại càng cảm thán phương pháp trị bệnh của vị thần y này.

Ma phí tán gồm các nguyên liệu như: Dương trịch trục 12g, rễ cây hoa nhài 4g, đương qui 4g, xương bồ 12g, sắc tất cả nguyên liệu sau đó uống trước khi phẫu thuật.

Hoa Đà là một vị danh y nổi danh, với quan điểm chữa bệnh cứu người, bất kể giàu nghèo, sang hèn. Đối với ông bất kể người bệnh nào cũng xứng đáng được chữa trị. Các bệnh khó chữa khi đến tay của ông cũng đều dược điều trị khỏi hoàn toàn, chính vì vậy mà rất nhiều quan chức, quý tộc muốn mời ông làm thầy thuốc riêng nhưng đều từ chối. Cuộc đời của Hoa Đà chỉ mong có thể cống hiến hết mình cho y học.

‘Thánh y’ Trương Trọng Cảnh, người xây nền móng cho Y học cổ truyền

Trương Trọng Cảnh là nhà y học nổi tiếng thời Đông Hán – Trung Quốc, được xưng là “Thánh y”. Ông là quan thanh liêm, từng làm thái thú Trường sa, cho nên có người gọi ông là Trương Trường Sa.

Trương Trọng Cảnh thu thập rất nhiều các bài thuốc, và viết nhiều tác phẩm nổi tiếng truyền cho đời sau , tiêu biểu là “Thương hàn tạp bệnh luận”, trong đó tập hợp các nguyên tắc biện chứng luận trị, đây là những nguyên tắc cơ bản trong lâm sàng của trung y, là linh hồn của trung y (y học cổ truyền).

Về phương diện phương tễ học, “Thương hàn tạp bệnh luận” cũng cống hiến rất lớn và sáng tạo ra rất nhiều phương thuốc, đồng thời ghi lại rất nhiều các bài thuốc có hiệu quả. Nguyên tắc điều trị thông qua biện chứng lục kinh được giới y học sau này tôn sùng. Tác phẩm này có thể nói là tác phẩm chuyên ngành y học thời xa xưa của Trung Quốc, nó xác lập mô phạm biện chứng luận trị từ lý luận đến thực tiễn, là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử y học Trung Quốc, là tác phẩm kinh điển ắt phải đọc, phải học đối với học giả trung y, và được mọi thế hệ học sinh và bác sỹ lâm sàng coi trọng.

Trương Trọng Cảnh sinh năm 150 sau công nguyên và mất năm 219, hưởng thọ 69 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại, bố là Trương Tông Hán đã từng làm quan huyện, nhờ vậy từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với rất nhiều sách cổ Khi đọc về cách xem bệnh của Biển Thước trong các câu chuyện của Tề Hoàn Công ông rất có cảm tình và kính phục Biển Thước, đặt nên nền móng cơ sở trở thành một danh y sau này.

Từ nhỏ ông tỏ ra rất ham mê y học, và “thông hiểu nhiều sách”. Tới năm 10 tuổi ông đã có thể đọc được rất nhiều sách, đặc biệt là sách có liên quan tới y học. Đồng hương của ông là Hà Ngung ngưỡng mộ tài trí và sở trường của Trọng Cảnh đã tiên đoán rằng sau này ông sẽ trở thành danh y. Và quả nhiên, về sau Trương Trọng Cảnh thành thầy thuốc giỏi, được người đời xưng là “thánh y, hay ông tổ của phương tễ”.

Thời trẻ thầy dạy y cho ông là Trương Bá Tổ. Trải qua nhiều năm chuyên tâm khổ luyện, học tập và nghiên cứu, thông qua thực tiễn lâm sàng, cuối cùng ông trở thành nhà y học kiệt xuất trong lịch sử y học Trung Quốc.

Những năm cuối thời Đông Hán, năm Kiến An Hán Hiến Đế (công nguyên 196), chiến loạn xảy ra liên miên, dịch bệnh hoành hành, trong 10 năm 2/3 số người chết vì bệnh truyền nhiễm thì có tới 70% do thương hàn. Chứng kiến trước sự đau khổ vì bệnh tật của nhân dân, ông đã lao tâm khổ tứ để nghiên cứu y học tìm phương sách trị liệu mong giải thoát nỗi thống khổ cho bệnh nhân.

Lúc đó có một người trong dòng tộc của ông tên gọi là Trương Bá Tổ, là thầy thuốc nổi tiếng khắp vùng. Vì muốn học y nên Trượng Trọng Cảnh đã bái ông làm sư phụ. Trương Bá Tổ thấy ông thông minh học giỏi, lại học tập rất chuyên cần đức độ, nên mới đem toàn bộ những kiến thức y học của mình chỉ bảo, dạy dỗ và truyền thụ cho Trọng Cảnh, sau này Hà Ngung trong “Tương Dương phủ chí” mới nói: “thuật là của Trọng Cảnh, tinh là của Bá Tổ”.

Trương Trọng Cảnh viết “Thương hàn tạp bệnh luận”, nền móng của Y học cổ truyền.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu, Trương Trọng Cảnh được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ chính là tác phẩm nổi tiếng “Thương hàn tạp bệnh luận” thể hiện tư tưởng y học vô cùng quan trọng chính là “biện chứng luận trị”, có thể nói sự xuất hiện của nó có tác dụng thống trị tuyệt đối đối với sự phát triển của nền y học cổ truyền sau này. Sử dụng thuốc hàn lương điều trị bệnh có tính chất nhiệt, là “phép chính trị” của Trung y, mà sử dụng thuốc ôn nhiệt để điều trị là thuộc “phép phản trị”.

Hai phương pháp điều trị tuy khác nhau nhưng đều dùng điều trị bệnh tật có tính chất nhiệt, triệu chứng tuy tương đồng nhưng phương pháp điều trị lại khác nhau, vậy làm thế nào để phân biệt và chọn lựa nó ? chính là cần biện chứng.

Mặt khác không chỉ căn cứ vào triệu chứng bên ngoài, còn phải thông qua nhiều phương diện chẩn đoán (vọng văn vấn thiết: tứ chẩn) và thầy thuốc cần phân tích đặc trưng chứng hậu, mới có thể xử lập xử phương. Phương pháp chẩn đoán “thông qua hiện tượng xem bản chất” này, chính là quan điểm “biện chứng luận trị” rất nổi tiếng của Trương Trọng Cảnh.

Sự hình thành lý luận này được xây dựng trên cơ sở y lý tinh sâu và phân tích biện chứng chặt chẽ, nó phủ định một cách triệt để phương pháp phán đoán và điều trị chủ quan thụ động, cũng chính là nhấn mạnh rằng nguyên tắc “biện chứng luận trị” là lý luận hết sức quan trọng và không thể thiếu của Trung y, từ đó đặt nền móng cơ sở lý luận Trung y dược lâm sàng sau này. Đây cũng là nói Trung y trường thịnh bất suy, thông qua tứ chẩn vọng, văn, vấn, thiết tổng hợp phân tích tính chất bệnh tật, vì người, vì bệnh, vì chứng để chọn phương dùng thuốc, đó mới phù hợp với sự biến hoá của bệnh tình và bản chất khác nhau của người bệnh, từ đó tìm đúng thuốc đúng phương và mục đích cuối cùng là trị khỏi bệnh. Cũng trong bộ sách nổi tiếng này, còn thuật lại và phân tích hết sức cụ thể điều trị sai của thầy thuốc và cách xử trí như thế nào?

Trương Trọng Cảnh viết “Thương hàn tạp bệnh luận”.
Quan điểm “biện chứng luận trị” của Trương Trọng Cảnh rất nổi tiếng.

Đồng thời trong sách cũng đề xuất một phương pháp phân loại quan trọng khi điều trị bệnh ngoại cảm, tức là bệnh tà từ nông nhập sâu phân làm 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có 1 số đặc điểm chứng trạng cộng đồng và sản sinh rất nhiều biến hoá, trong từng giai đoạn và thời điểm nhất định dùng phương chọn thuốc, chỉ cần biện chứng chính xác, vận dụng bài thuốc thì sẽ có hiệu quả rất tốt.

Phương pháp này được người đời sau gọi là: biện chứng lục kinh, nhưng “kinh” không giống như “kinh” trong kinh lạc, phạm vi của nó cần phải hiểu rộng ra rất nhiều. Trong sách có tổng cộng 113 (có sách 112) bài thuốc cũng đều là phối phương kinh điển hết sức kỳ diệu, được người đời sau gọi là “kinh phương”, nếu vận dụng một cách thoả đáng có thể trị được “đại bệnh trầm kha”; vì thế “thương hàn luận” cũng được xưng là “tổ của y phương”.

“Thương hàn tạp bệnh luận” là sách chuyên chẩn đoán điều trị lâm sàng thông qua lý luận liên hệ với thực tiễn sớm nhất Trung Quốc. Được các nhà y học đời sau vinh danh là “vạn thế bảo điển” nó liên hệ phân tích nguyên nhân, chứng trạng, giai đoạn phát triển và phương pháp xử lý bệnh thương hàn, xác lập tính sáng tạo nguyên tắc thi hành biện chứng điều trị đối với “phân loại lục kinh” của bệnh thương hàn, đặt nền móng cơ sở lý luận: lý, pháp, phương, dược. Sách còn tinh chọn ra rất nhiều bài thuốc nổi tiếng, như: Ma hoàng thang, Quế chi thang, Sài hồ thang, Bạch hổ thang, Thanh long thang, Ma hạnh thạch cam thang. Một số bài thuốc nổi tiếng này trải qua kiểm nghiệm thực tiễn mấy ngàn năm lịch sử đều chứng thực chúng đều có hiệu quả tương đối cao và là căn cứ cung cấp để phương tễ học Trung y phát triển. Về sau không ít phương thuốc đều từ nó thêm bớt biến tấu mà thành.

Y đức và cống hiến cho y học của Trương Trọng Cảnh đã khiến cho không chỉ giới y học và người dân Trung Quốc mà cả thế giới kính trọng và học tập. Ông là một nhà khoa học xuất chúng nhất trong lịch sử văn minh cổ đại Trung Quốc, học thuyết của ông ta bồi dưỡng cho danh y mọi thời đại.

‘Thần y’ Biển Thước, cha đẻ của nhiều phương pháp Y học cổ truyền

Biển Thước là danh y thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, Trung Quốc. Ông tên thật là Tần Hoãn, nhưng hành nghề với tên là Biển Thước.

Thời thiếu niên, ông làm việc trong một gia đình quý tộc. Với nhân cách chính trực, biết kính trên nhường dưới, Biển Thước được nhiều người trọng dụng.

Theo sử sách, danh y tên Chương Tang Quân thời đó vì quý mến nhân cách của Biển Thước đã ngỏ lời muốn truyền lại những kiến thức và bí kíp y học cho ông. Từ đó, Biển Thước đi khắp nơi hành nghề chữa bệnh giúp dân, dần dần danh tiếng ngày càng được nhiều người biết đến.

Thần y Biển Thước
Biển Thước đi khắp nơi hành nghề chữa bệnh giúp dân.

Dân gian lưu lại nhiều giai thoại về tài năng y học của Biển Thước.

Theo Hán thư ngoại truyện, có lần Biển Thước dẫn 5 học trò đến nước Quắc (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) để làm thuốc. Nghe nói Thế tử nước Quắc bị bệnh qua đời đột ngột, ông cảm thấy đáng ngờ bèn xin được vào xem.

Quan sát một hồi, thấy cánh mũi người chết còn động đậy, hai chân còn ấm, Biển Thước chẩn đoán kỹ rồi kết luận: “Thế tử mắc chứng “thi quyết” (chết giả), có thể cứu sống được”. Ông châm kim ở các huyệt trọng yếu, sai học trò Tử Minh làm ngải cứu, Cốc Tử đổ thuốc, Tử Dung xoa bóp không ngừng tay. Hồi lâu, quả nhiên “người chết “dần dần tỉnh lại. Biển Thước lại dùng thuốc dán dưới hai nách, bệnh nhân ngồi dậy được ngay.

Biển Thước sang nước Tề gặp Tề Hoàn Công.

Sử gia Tư Mã Thiên ghi lại trong bộ Sử Ký rằng một hôm Biển Thước sang nước Tề gặp Tề Hoàn Công. Thấy khí sắc vua Tề không tốt, ông liền tâu: “Trong da và chân lông của ngài có gốc bệnh, nếu không kịp thời chữa trị, bệnh sẽ nặng thêm”. Đáp lại, Tề Hoàn Công thờ ơ: “Ta cảm thấy rất khỏe, chẳng có bệnh tật gì cả”. Biển Thước bèn lui ra. 

Năm ngày sau, Biển Thước yết kiến Tề Hoàn Công và khẳng định một lần nữa với vua Tề: “Bệnh của ngài đã vào đến nội tạng rồi, phải chữa ngay đi”. Hoàn Công tỏ vẻ khó chịu, không trả lời. Đợi Biển Thước đi khỏi, ông bảo với mọi người: “Thầy thuốc chỉ khéo vẽ vời, hù dọa. Ta chẳng có bệnh gì mà ông ta dám bảo là bệnh nặng. Thật vớ vẩn”.

Năm ngày sau nữa, Biển Thước lại vào yết kiến. Chỉ mới nhìn mặt vua Tề, ông đã quay bước bỏ đi. Tề Hoàn Công sai người chạy theo hỏi, Biển Thước nói: “Bệnh ở da thịt thì còn xoa thuốc được, bệnh ở huyết mạch thì còn truyền thuốc được. Nay bệnh đã vào đến xương tủy rồi thì trời cũng không cứu được nữa, bởi vậy tôi mới bỏ đi”. Quả thật sau đó Tề Hoàn Công lâm bệnh nặng, các đại phu thuở ấy không chữa được. 

Biển Thước chẩn đoán bệnh bằng “tứ chẩn”.

Căn cứ vào kinh nghiệm hành nghề của mình, khi chữa bệnh cho bệnh nhân, Biển Thước sử dụng phương pháp “tứ chẩn”, tức gồm 4 bước chẩn đoán bệnh. Đầu tiên, ông quan sát bệnh nhân và chú ý tới vẻ bề ngoài như màu da, màu lưỡi. Bước thứ hai, ông nghe giọng nói, nhịp thở. Bước thứ ba, ông hỏi bệnh nhân về các triệu chứng mà họ gặp phải. Cuối cùng, ông bắt mạch.

Tương truyền, Biển Thước chính là người đã khai sinh ra phương pháp bắt mạch, đặt tiền đề quan trọng cho Đông y. Về phương pháp bắt mạch của Biển Thước, dân gian lưu truyền một giai thoại.

Có lần, Biển Thước đến nước Tấn, biết được Triệu Giản Tử – người đang nắm quyền chính trị trong nước lâm bệnh, hôn mê đã 5 ngày. Biển Thước bắt mạch, thấy mạch bệnh nhân yếu ớt, lại nghe rằng chính trị nước Tấn lúc ấy rối ren nên đoán Triệu Giản Tử lao tâm quá mức khiến máu không tuần hoàn tốt dẫn tới hôn mê. Biển Thước kê thuốc cho Triệu Giản Tử uống. Chỉ hai ngày sau, bệnh nhân tỉnh lại, bệnh dần thuyên giảm. Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên tán tụng: “Thiên hạ nói đến mạch là nói đến Biển Thước”.

Biển Thước sử dụng nhiều phương pháp trị liệu khác nhau.

Ngoài “tứ chẩn”, Biển Thước còn am hiểu và sử dụng nhiều các phương pháp trị liệu như châm cứu, châm kim đá, xoa bóp. Đặc biệt, ông đề cao phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh có giá trị gấp đôi chữa bệnh. Điều này có thể thấy rõ trong giai thoại về Tề Hoàn Công. 

Biển Thước để lại cho người đời nhiều bí kíp, tác phẩm y học đồ sộ như “Nạn Kinh”, “Biển Thước ngoại kinh”. Về sau, Biển Thước cùng Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được hậu thế xưng tụng Trung Quốc cổ đại Tứ đại danh y.