Kết giao có chừng mực

Có câu: “Quân tử kết giao nhạt như nước lã, tiểu nhân kết giao ngọt như nước đường”.

Người quân tử lúc nào cũng bình thản như nước, nước dẫu nhạt nhưng không bao giờ chán, đường dẫu ngọt nhưng ăn nhiều sẽ ngấy.

Những tình bạn chân thành nhất định phải đơn thuần, vì chỉ có đơn thuần mới có thể tồn tại lâu dài.

Giữa bạn bè với nhau, giúp đỡ là vì tình cảm chứ không phải vì nghĩa vụ. Nếu không có lòng biết ơn, đòi hỏi một cách thái quá, mối quan hệ sẽ trở nên nặng nề.

Tình bạn chân thành là biết tôn trọng nhau, dù thân thiết đến đâu cũng phải có chừng mực.

Có chừng mực sẽ tạo cảm giác thoải mái, giữ khoảng cách mà không hờ hững.

Chừng mực chính là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Gột rửa tâm hồn

Hoạ sĩ chính là người có khả năng mang hơi thở của cuộc sống vào trong bức tranh.

Màu sắc, hình khối và từng nét vẽ trong tranh đều sẽ mang theo năng lượng và sức sống của người vẽ.

Những bức tranh thuần tịnh chất chứa trong nó “ánh sáng trong lành”, có thể giúp chúng ta “gột rửa tâm hồn”. 

Buông tay đúng lúc

Buông tay đúng lúc là lòng bao dung vô bờ của cha mẹ.

Nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà là để chúng tự bước đi, học cách sống độc lập.

Nhà tâm lý học Đức Erikson nói: “Trẻ bắt đầu từ 1 tuổi đã hình thành quan niệm về bản thân, từ 3 tuổi đã bước vào thời kỳ biết tự trọng. Sự giúp đỡ quá mức của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không có năng lực”.

Cảm giác được khẳng định đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Đó là tiền đề và nguồn động lực để trẻ biết yêu thương, biết cho đi, biết gánh vác trách nhiệm.

Loại cảm giác này đến từ việc độc lập hoàn thành những việc mà mình có khả năng làm được.

Đừng cảm thấy phiền phức, hãy buông tay, để trẻ tự làm, để trẻ trưởng thành với thời gian.

Rất có thể buông tay sẽ bớt đi một chút ấm áp của cảm giác ôm chặt và thêm vào một chút dư vị của tiếc nuối, xa cách.

Nhưng đó là cuộc sống. Mỗi người một số phận. Không ai có thể định hướng hay thay đổi cuộc đời người khác được.

Chúng ta phải kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ

Chúng ta có thể hồ hởi, tươi cười với một người dưng, nhưng lại hờ hững, thiếu quan tâm với những người thân quen.

Chúng ta có thể dành sự kiên nhẫn, bao dung, cung kính cho những người xa lạ, nhưng lại nông nổi, trách móc và hà khắc với những người thân quen.

Tại sao lại thế?

Phải chăng vì chúng ta cho rằng những người thân quen sẽ chẳng bao giờ rời xa, chẳng bao giờ bỏ mình mà đi?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải quan tâm, lắng nghe và chịu đựng tất cả những gì gọi là hờn giận và uất hận chất chứa trong lòng chúng ta, đang được dịp bùng phát ra?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải bao dung, vị tha và bỏ qua cho những lỗi lầm của chúng ta?

Cuộc đời, xét cho cùng, chính là những nghịch lý.

Với người lạ, chúng ta luôn có những vỏ bọc, rào chắn. Dường chúng ta luôn hoàn hảo, lịch sự và đáng yêu.

Nhưng với người quen, khi không có vỏ bọc, những cái xấu của chúng ta, dù nhỏ cũng dễ dàng bộc lộ ra, thậm chí còn bị thổi phồng lên. Từ một người đáng yêu, chúng ta có thể trở thành thô lỗ, cục cằn, hay cằn nhằn, trách móc.

Không phải chúng ta đã thay đổi, không phải chúng ta đạo đức giả. Chúng ta vẫn thế, chỉ là chúng ta không hoàn hảo.

Vậy phải làm thế nào? Có hai cách.

Cách thứ nhất, chính là coi mọi người như “người lạ”, để kính trọng, nhường nhịn, để bao dung, tha thứ. Thậm chí, chúng ta phải học cách để có thể kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ.

Cách thứ hai, học và làm theo câu “thất bại là mẹ của thành công”. Nếu chúng ta biết chấp nhận, biết hy sinh, biết nhẫn nhịn, biết lấy cái sai của người làm bài học của mình, thì thành công sẽ đến, hoà thuận sẽ trở lại và cả hai đều sẽ trở nên tốt hơn.

Sửa mình bao giờ cũng dễ hơn sửa người. Với người thì hãy kính trọng và khiêm nhường.

Muốn dạy con trước hết phải sửa mình

Sukhomlynsky từng nói: “Mỗi khi bạn nhìn con thì bạn đang thấy chính mình. Bạn dạy con cũng là lúc bạn đang tu sửa chính mình”.

Con trẻ phản ánh mọi thứ về cha mẹ như một tấm gương. Biểu hiện của con trẻ sẽ phản ánh lời nói và hành động của cha mẹ. Nếu cha mẹ ấm áp dịu ngọt, con trẻ sẽ là một người khiêm tốn. Nếu cha mẹ thô lỗ cộc cằn, con trẻ sẽ thành một người ngang ngược.

Muốn dạy con trước hết phải sửa mình. Lời răn dạy của bạn sẽ như gió thoảng qua, như nước đổ lá khoai, nếu bạn không thực sự làm gương. Lời nói của người có hàm dưỡng có uy nghiêm, có sức nặng và có tính thuyết phục cao.

Để thành công, bạn cần 3 phần của kỹ năng và 7 phần của thái độ. Con trẻ giao tiếp với cha mẹ, nên thái độ của cha mẹ không thể không cẩn trọng, lời nói không thể không cân nhắc. Bạn hãy đối xử với con bạn như với một người đáng kính trọng.