Biết nói chuyện với một người lạ

Ai cũng từng trải qua những phút giây cảm thấy trống vắng, cô đơn, đó là những lúc ta mong nghĩ đến những người thân, những người tri kỷ. Nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải cần có họ, lúc nào cũng phải ở bên những người biết và hiểu ta. Cuộc đời thật ra rất đơn giản, có thể chỉ cần nói chuyện với một người lạ, chúng ta đã cảm nhận rõ cảm giác hạnh phúc, tuy là nhất thời nhưng rất cần thiết.

Giao lưu tiếp xúc có thể là với một người bất kỳ trên mạng, nhưng tốt nhất là đối thoại trực tiếp. Chỉ đơn giản là cùng ăn tối hay ngồi uống trà với nhau. Những xúc cảm về tinh thần cũng như những cảm giác khoẻ mạnh về thể chất chỉ có thể có được thông qua những giao tiếp trực tiếp ngoài đời.

Tục ngữ có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những người hàng xóm và đồng nghiệp mà chúng ta ngày nào cũng gặp đóng một vị trí quan trọng trong các mối quan hệ xã hội chằng chịt của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không nên bỏ qua, dù cho đồng nghiệp và hàng xóm không phải là những mối quan hệ có ý nghĩa và sâu đậm. Chỉ một cái mỉm cười, một lời nói thân thiện có thể cải thiện rất nhiều chất lượng cuộc sống.

Bạn đến sớm, nghĩa là bạn đến đúng giờ

Có một câu danh ngôn của Lik Hock Yap Ivan: “Bạn đến sớm, nghĩa là bạn đến đúng giờ. Bạn đến đúng giờ, thực ra là bạn đã đến muộn rồi”.

Nhưng Lương Chí Thu, một nhà văn Đài Loan từng sống ở Mỹ lại còn cẩn thận hơn, khi nói về kinh nghiệm không nên đến quá sớm:

“Ngay cả khi bạn không thể đến đúng giờ, thì thà trễ một chút chứ bạn không nên gõ cửa nhà người khác khi đến quá sớm. Lý do rất đơn giản, có thể chủ nhà vẫn đang quét dọn hoặc tắm rửa để chuẩn bị tiếp bạn. Nếu bạn đến sớm, điều đó sẽ khiến người khác không kịp chuẩn bị và điều này có thể trở thành bất lịch sự hơn cả đến muộn”.

Ông kể có lần khi tới một bữa tiệc, trước cửa nhà đầy xe, trong xe đều có người. Mọi người đều không xuống xe sớm. Đợi đến khi đúng giờ, họ mới cùng nhau xuống xe đi vào nhà.

Một lần khác, ông có bài phát biểu lúc 7 giờ tối theo lời mời của một trường đại học. Ông hỏi anh sinh viên sẽ ra cổng đón mình: “Mất bao lâu để chúng ta đi từ cổng trường tới giảng đường?”.

Anh sinh viên bối rối: “3 hoặc 4 phút gì đó”.

Ông nói: “Vậy tôi sẽ ở trước cổng trường của bạn lúc 6 giờ 52 phút nhé”.

Anh sinh viên nghi ngờ: “Thầy Lương, chỗ này giao thông rất ùn tắc, đặc biệt là sau 6 giờ, tốt nhất là thầy nên thu xếp đến sớm hơn một chút ạ”.

Đến hôm đó, ông có mặt ở trường lúc 4 giờ chiều, tìm một nhà hàng yên tĩnh, uống cà phê, đọc sách, xem tài liệu, ăn tối, rồi xem qua bài giảng trong khi uống trà. Đúng 6 giờ 48 phút, ông đứng dậy thu xếp các thứ và ra khỏi nhà hàng đúng phút thứ 50, để đi về phía cổng trường. Tới nơi, ông thấy anh sinh viên tay cầm bó hoa đứng đợi sẵn, dáng vẻ bồn chồn, chắc đang lo rằng ông sẽ không thể đến kịp.

Nhìn thấy thầy, anh bối rối: “Sao thầy đến được đây đúng giờ như vậy ạ? Thật vừa khớp!”. Ánh mắt anh ấy vừa quan tâm, vừa ngạc nhiên, lại có phần cảm phục. Ông Lương nói mình không bao giờ có thể quên được ánh mắt đó.

Hôn nhân là trường học cho lòng vị tha

Có thể nói đắng cay, vấp ngã chính là vị thầy nuôi ta khôn lớn, chúng ta chỉ có thể trưởng thành khi đã nếm đủ gió sương. Và trong tình yêu, hôn nhân cũng lại như thế, chỉ có sống cùng nhau, có trải qua quan ải, mới dần hiểu nhau hơn, yêu thương và gắn bó…

Nhiều người cho rằng hôn nhân là bến ga cuối của tình yêu, tuy nhiên nó lại chính là khởi đầu của một con đường mới, hai người cùng nhau đi trên một chặng đường hoàn toàn mới. Trước đây, tình yêu đôi lứa khi chưa lấy nhau, đó là chặng đường chỉ có hoa hồng và mật ngọt, hai người đối với nhau bằng sự nồng cháy, khát khao và cả sự lãng mạn dành cho nhau. Tuy nhiên khi đã đến với nhau bằng hôn nhân, đó lại là con đường mà hai người phải đối với nhau bằng lòng vị tha, bằng nhân cách, bằng sự tu dưỡng của chính mình.

Có không ít cặp vợ chồng sau khi lấy nhau về đã bị ‘sốc’ khi chứng kiến những khiếm khuyết của đối phương. Lúc này nếu như hai người có thể rộng lòng vị tha mà bỏ qua cho nhau thì mọi chuyện cũng sẽ dần êm xuôi. Nhưng nếu như tình yêu không đủ lớn, sự dung hòa chưa đủ nhiều thì đây rất có thể lại trở thành điểm khởi mào cho những xung đột về sau.

‘Nhân vô thập toàn’, ai cũng mong có được một cuộc hôn nhân hoàn mỹ, một duyên phận vẹn toàn, nhưng đó là điều không thể. Học cách bao dung chính là con đường ngắn nhất dẫn đến bến bờ hạnh phúc.

Thứ tha ở đây cũng không phải yếu nhược, mà đó là trí huệ trưởng thành. Kỳ thực hôn nhân như cũng như ly rượu, rượu không nồng sao khiến kẻ uống say, tình không trắc trở sao khiến đời người trọn vẹn!