Buông tay đúng lúc

Buông tay đúng lúc là lòng bao dung vô bờ của cha mẹ.

Nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà là để chúng tự bước đi, học cách sống độc lập.

Nhà tâm lý học Đức Erikson nói: “Trẻ bắt đầu từ 1 tuổi đã hình thành quan niệm về bản thân, từ 3 tuổi đã bước vào thời kỳ biết tự trọng. Sự giúp đỡ quá mức của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không có năng lực”.

Cảm giác được khẳng định đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Đó là tiền đề và nguồn động lực để trẻ biết yêu thương, biết cho đi, biết gánh vác trách nhiệm.

Loại cảm giác này đến từ việc độc lập hoàn thành những việc mà mình có khả năng làm được.

Đừng cảm thấy phiền phức, hãy buông tay, để trẻ tự làm, để trẻ trưởng thành với thời gian.

Rất có thể buông tay sẽ bớt đi một chút ấm áp của cảm giác ôm chặt và thêm vào một chút dư vị của tiếc nuối, xa cách.

Nhưng đó là cuộc sống. Mỗi người một số phận. Không ai có thể định hướng hay thay đổi cuộc đời người khác được.

Muốn dạy con trước hết phải sửa mình

Sukhomlynsky từng nói: “Mỗi khi bạn nhìn con thì bạn đang thấy chính mình. Bạn dạy con cũng là lúc bạn đang tu sửa chính mình”.

Con trẻ phản ánh mọi thứ về cha mẹ như một tấm gương. Biểu hiện của con trẻ sẽ phản ánh lời nói và hành động của cha mẹ. Nếu cha mẹ ấm áp dịu ngọt, con trẻ sẽ là một người khiêm tốn. Nếu cha mẹ thô lỗ cộc cằn, con trẻ sẽ thành một người ngang ngược.

Muốn dạy con trước hết phải sửa mình. Lời răn dạy của bạn sẽ như gió thoảng qua, như nước đổ lá khoai, nếu bạn không thực sự làm gương. Lời nói của người có hàm dưỡng có uy nghiêm, có sức nặng và có tính thuyết phục cao.

Để thành công, bạn cần 3 phần của kỹ năng và 7 phần của thái độ. Con trẻ giao tiếp với cha mẹ, nên thái độ của cha mẹ không thể không cẩn trọng, lời nói không thể không cân nhắc. Bạn hãy đối xử với con bạn như với một người đáng kính trọng.

Cha cùng bên con, mẹ cùng vui nào

Đằng sau những đứa con thành đạt chính là những ông bố bà mẹ cần mẫn. Những bậc cha mẹ thành công là những người luôn dành thời gian để giáo dục con cái.

1. Cha hãy cùng luôn bên con

Nhiều người tâm sự rằng người cha giống như một ngọn núi, im lặng và hùng vĩ nhưng cũng rất khó hiểu. Trong nhiều gia đình, người cha thường vắng mặt không có ở nhà. Trên bước đường trưởng thành của con luôn chỉ có mẹ chứng kiến và nhìn thấy trước. Mỗi lần trước khi con đi ngủ cũng là mẹ đọc truyện cho nghe. Mỗi khi con bị bệnh đều là mẹ chăm sóc.

Nội tâm của đứa trẻ khi luôn có cha bên cạnh thường cảm thấy an toàn hơn. Chúng sẽ không vì thất bại nhỏ mà tự trách, tự ti và suy nghĩ tiêu cực. Sự quan tâm giáo dục của cha vô cùng quan trọng đối với trẻ. 

2. Mẹ hãy cùng vui nào

Đối với người mẹ mà nói, sự bực bội phát ra ngoài xong rồi quên ngay nhưng lại khiến con trẻ xuất hiện những vết thương lòng. Chúng sẽ phát triển tính cách sợ hãi. Tâm trạng không tốt của mẹ sẽ gieo một hạt giống xấu vào trái tim đứa trẻ. Khi chúng trưởng thành, hạt giống này sẽ phát triển thành một khóm cỏ dại, nó sẽ chi phối các lựa chọn và cảm xúc của con.
Năng lượng cảm xúc của phụ nữ vượt xa đàn ông. Người mẹ là linh hồn của gia đình, mẹ vui cả nhà vui, mẹ lo âu cả nhà lo âu. Tâm trạng của người mẹ quyết định bầu không khí trong gia đình và lặng lẽ định hướng tính cách của đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ cũng giống như một cái cây non, cần sự kiên nhẫn chăm sóc nhẹ nhàng để chúng phát triển thành cây cao lớn. Cha mẹ chỉ cần quan tâm hơn một chút, cho con thêm sự ấm áp, đứa trẻ đều có thể cảm nhận được.