Dịch bệnh và bài học về sự tồn vong

Các ca siêu lây nhiễm mới ở Việt Nam có 1 nét giống với sự bùng phát ở Hàn Quốc và Ý, là có các ca siêu lây nhiễm từ nguồn bên ngoài Trung Quốc. Cho thấy sự bùng phát của đại dịch luôn đi nhanh hơn các biện pháp phòng chống của con người.

Ở Hàn Quốc, trường hợp đầu tiên của nước này là một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi, cho kết quả dương tính vào ngày 20/1. Nhưng bùng phát dịch lớn nhất được phát hiện sau khi bệnh nhân thứ 31, một phụ nữ 61 tuổi ở thành phố phía đông nam của Hàn Quốc, được chẩn đoán ngày 18/2. Người phụ nữ này không có mối liên hệ nào với Vũ Hán, Trung Quốc nơi khởi nguồn của dịch bệnh.

Ở Ý, dịch đã bắt đầu vào tháng trước. Nhưng một người đàn ông địa phương có triệu chứng cúm đã bị bỏ qua sau khi anh ta nói với nhân viên y tế rằng anh ta đã không đến Trung Quốc. Xét nghiệm chỉ được thực hiện sau khi người đàn ông 38 tuổi này, được đặt tên là Mattia, trở lại bệnh viện. 


Hướng dẫn kiểm tra tại thời điểm đó cho biết không cần phải xét nghiệm những người không có liên kết với Trung Quốc hoặc những khu vực bị ảnh hưởng khác. Nhưng một bác sĩ gây mê đã quyết định phải thử nghiệm COVID-19. Một số chuyên gia ở Ý tin rằng Mattia có thể đã bị lây nhiễm từ Đức, chứ không phải từ Trung Quốc.

Nghĩa là khi dịch bùng phát từ Vũ Hán, thì chính phủ các nước chỉ cách ly những người từ Vũ Hán về, và thế là dịch nó luồn qua các nước khác, âm thầm lây lan, đi trước sự kiểm soát của con người.

Đến khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc và Ý, thì chính phủ các nước tiếp tục chạy theo, cách ly những người từ các nước này trở về.

Cứ theo cách này, sự đối phó của con người có vẻ luôn đi sau dịch bệnh.

Tuy cùng tương đối bị động đối với dịch bệnh, nhưng Ý và Hàn Quốc đã chọn cách đối phó khác nhau.

Hàn Quốc, với dân số khoảng 50 triệu người, đã có khoảng 29.000 người tự cách ly. Chính quyền đã áp đặt lệnh đóng cửa đối với một số cơ sở và ít nhất một khu chung cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhưng cho đến nay không có phong tỏa toàn bộ một khu vực. Seoul cho biết họ đang rút ra bài học từ sự bùng phát của Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015 và tìm cách cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho công chúng. Họ đã bắt tay vào một chương trình xét nghiệm lớn, bao gồm cả những người bị bệnh rất nhẹ, hoặc có lẽ thậm chí không có triệu chứng, nhưng có thể lây nhiễm cho người khác.

Điều này bao gồm thực thi luật cho phép cơ quan có thẩm quyền trên toàn chính phủ truy cập dữ liệu: cảnh quay camera quan sát, dữ liệu theo dõi GPS từ điện thoại và xe hơi, giao dịch thẻ tín dụng, thông tin nhập cảnh và các chi tiết cá nhân khác của những người được xác nhận mắc bệnh truyền nhiễm. Chính quyền sau đó có thể công khai một số dữ liệu này, vì vậy bất kỳ ai nghi bị phơi nhiễm đều có thể tự mình, hoặc được bạn bè và gia đình đưa đi kiểm tra.

Ngoài việc giúp tìm ra người cần kiểm tra, hệ thống điều khiển dữ liệu của Hàn Quốc còn giúp các bệnh viện quản lý các trường hợp này. Những người xét nghiệm dương tính được tự cách ly kiểm dịch và theo dõi từ xa thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh hoặc được kiểm tra thường xuyên trong các cuộc gọi điện thoại, cho đến khi có sẵn giường bệnh viện. Khi có sẵn giường, xe cứu thương đón người lên và đưa bệnh nhân đến bệnh viện có phòng cách ly kín khí. Tất cả điều này, bao gồm cả nhập viện, là miễn phí.

Phản ứng của Hàn Quốc thiên về kiểm tra diện rộng với hơn 200.000 người đã thử nghiệm âm tính. Tỷ lệ các trường hợp mới được xác nhận đã giảm kể từ mức cao nhất vào giữa tháng 2, nhưng khối lượng xét nghiệm lớn nhất của hệ thống vẫn có thể ở phía trước khi các nhà chức trách cố gắng theo dõi và lưu trữ thông tin. 

Cách tiếp cận này sẽ vi phạm một số quyền riêng tư. Cách làm này, đối với nhiều người ở châu Âu và châu Mỹ, sẽ bị coi vi phạm quyền cơ bản về riêng tư.

Choi Jaewook, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Hàn Quốc và là quan chức cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết, “thông tin về bệnh nhân luôn đi kèm với các vấn đề xâm phạm quyền riêng tư”. Tiết lộ thông tin “nên được giới hạn nghiêm ngặt” chỉ đối với các di chuyển của bệnh nhân, và “không nên nói về tuổi tác và giới tính của họ.”

Trong khi ở Hàn Quốc, chỉ vài ngàn người bị cách ly và có 72 ca tử vong, thì ở Ý, hàng triệu người đã bị phong tỏa và 1.266 người đã chết vì virus Vũ Hán.

Có ý kiến cho rằng, Ý lẽ ra nên cho xét nghiệm rộng rãi từ đầu, rồi dần dần mới thu hẹp trọng tâm, thì giờ đây họ đã không phải xử lý hàng trăm ngàn xét nghiệm. Nhưng họ không thể nhìn thấy những gì sắp tới và đang cố gắng kiềm chế sự di chuyển của toàn bộ đất nước với dân số 60 triệu người để ngăn chặn căn bệnh này. Ngay cả Giáo hoàng Francis cũng phải thực hiện việc ban phước qua internet từ bên trong Vatican, ông cảm thấy mình như đang bị nhốt ở đây.

Cả hai nước Ý và Hàn Quốc cùng có ​​những ca nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên vào cuối tháng 1. Hàn Quốc kể từ đó đã thống kê có 72 trường hợp tử vong trong số hơn 8.000 trường hợp dương tính, sau khi xét nghiệm hơn 222.000 người. 

Ngược lại, Ý đã có 1,266 người chết và xác định được hơn 17.000 trường hợp dương tính, sau khi thực hiện hơn 73.000 xét nghiệm.

Các nhà dịch tễ học nói rằng không thể so sánh các con số trực tiếp. Nhưng một số người cho rằng: “Tiến hành xét nghiệm một cách chủ động trên diện rộng, kiên quyết và duy trì là một công cụ mạnh mẽ để chống lại virus.”

Tuy nhiên nước Anh lại có một cách tiếp cận khác đối với dịch viêm phổi Vũ Hán. Họ không đóng cửa trường học toàn quốc, chưa ngăn các sự kiện thể thao… không ngăn sống cấm chợ như các nước khác.

Lý luận cho phản ứng này dựa vào con số thống kê:khoảng 80% những người nhiễm virus Vũ Hán có biểu hiện nhẹ, có khả năng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 5 ngày, chính phủ Anh khuyến cáo những người có triệu chứng tự cách ly 7 ngày, và chỉ liên hệ tới bệnh viện nếu không thuyên giảm.

Có ý kiến cho rằng, các biện pháp ngăn trở, cách ly như các nước khác đang làm có thể giúp giảm dịch trong thời điểm hiện tại, nhưng khi dỡ bỏ các biện pháp ngăn cản, dịch sẽ bùng phát trở lại, như các dịch cúm mùa khác.

Có vẻ như cách tiếp cận của nước Anh có hơi hướng của sống chung với lũ. Chưa biết đúng sai thế nào, nhưng rõ ràng virus Vũ Hán đang khiến cả thế giới hoảng loạn chao đảo. Nó bắt loài người phải nhìn nhận lại nhiều điều quan trọng.

Dịch bệnh khiến các nền kinh tế chao đảo, chỉ số chứng khoán sụt giảm đột ngột, hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, người lao động phải nghỉ việc để bảo đảm an toàn, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị cắt đứt, không có nguyên liệu sản xuất, đóng cửa giao thương, xuất nhập khẩu.

Nhưng chúng ta đã bao giờ thử nghĩ thấu đáo về cái khái niệm kinh tế phát triển? Bản chất của nó là việc tăng cường mua bán và tiêu thụ, để phục vụ cho nhu cầu vật chất vốn dĩ đã được kích hoạt bằng sự hưởng thụ không có giới hạn của con người. Cái xã hội được gọi là văn minh, thực ra là một xã hội tràn ngập vật chất. Vật chất trở thành thước đo của sự tiến bộ. Thành phố càng to thì siêu thị càng lớn.

Đó là biểu hiện bề ngoài của một quốc gia phát triển. Nó vận hành bằng cách khai thác cạn kiệt tài nguyên, phá huỷ môi trường, trái đất. Các nhà máy xả thải gây ô nhiễm môi trường, bụi mịn, thuỷ ngân, các dòng sông nhiễm mặn, kiệt quệ đến chết.

Chúng ta truy cầu hưởng thụ thật nhiều bằng cách bóc lột tự nhiên, và như một bumerang ném ra, nó sẽ quay lại chính chúng ta. Chúng ta kêu trời vì khói bụi ô nhiễm, vì nguồn nước bẩn, nhưng chúng ta quên rằng những nhà máy thải độc đó mọc lên vì nhu cầu tiêu dùng của chính chúng ta mà thôi. Không ai khác, chính con người là nguyên nhân huỷ hoại chính mình.

Khi có tin bệnh nhân dương tính với virus, ngay trong đêm người ta đi càn quét sạch siêu thị, và sau đó người ta đổ xô đi mua đồ tích trữ trong hoảng loạn. Bởi vì vốn dĩ sự cần dùng của con người đã được bồi đắp qua bao lâu nay trong xã hội hiện đại mà ta gọi là phát triển kinh tế. Khi người ta sử dụng và phụ thuộc quá nhiều vào hàng hoá thì đến lúc có biến, phải cuống cuồng đi mua sắm tích trữ, không thiếu thứ gì.

Nhưng thực ra không phải đợi đến đại dịch, chỉ cần một tin giảm giá khai trương ưu đãi thì ngay cả trong tâm bão dịch bệnh họ vẫn đổ xô đi xếp hàng mua quần áo bất kể khuyến cáo không tụ tập đông người. Rồi lại hốt hoảng khi có tin trong biển người đó có người bị nghi nhiễm virus. Chính cái lòng tham vật chất và nhu cầu quá nhiều khiến chúng ta hoảng loạn.

Khi có dịch bệnh xảy ra, những người vốn dĩ bình thường không có nhu cầu vật chất gì nhiều, không có nhu cầu ăn uống đủ loại thứ thực phẩm, họ sẽ thấy chẳng có gì phải lo lắng. Tất nhiên họ cũng không phải lo chạy đi chen nhau khoắng cả siêu thị làm gì. Càng ít nhu cầu thì người ta càng nhiều an nhiên tự tại và bình tĩnh. Lòng tham mới khiến cho lòng người bấn loạn.

Dịch bệnh cho ta nhận ra, giờ đây, bất cứ cái gì cần ta đều phải đi mua bằng tiền, bởi vì chúng ta đã chê cái nền nông nghiệp tự túc là lạc hậu để chạy theo nền kinh tế công nghiệp, người dân bỏ quê ra thành phố chen chúc nhau trong những hộp chung cư cao tầng, để rồi tranh giành mua đồ ở chợ hay siêu thị.

Tất nhiên khi không thể tự cấp thì ta phải cần rất nhiều tiền để đi mua, và bởi vậy lại phải quay cuồng đi kiếm tiền, cuốn mình trong cái vòng xoáy kiếm tiền – sản xuất – khai thác – phá huỷ tự nhiên – tiêu tiền – kiếm tiền… không bao giờ ngừng lại.

Đã đến lúc chúng ta cần thấu tỏ: sống ít nhu cầu mới đúng là cách sống thuận theo tự nhiên; rằng: nhiều thực phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp dựa trên hoá chất và các thứ biến đổi gen sẽ tàn phá tự nhiên, khiến ta phải dùng nhiều thuốc hơn, nó không làm ta khỏe lên, chỉ thôi thúc ta phải kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu, và để chữa đủ loại bệnh kỳ quái do các thứ đột biến mà chính ta muốn thêm vào đời sống tự nhiên của mình.

Dường như Thượng đế đang muốn thông qua con virus Vũ Hán để sắp đặt lại trật tự, khi con người đã đi quá xa khỏi Thiên Lý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *