Danh y Lê Hữu Trác, nhà Bách khoa thư của nền Y học Việt

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (27-12-1724, dương lịch) và mất ngày 15 tháng Giêng, năm Tân Hợi (17-2-1791, dương lịch), thọ 67 tuổi. Có một số văn bản đề năm sinh của ông là 1720, nhưng khảo cứu lại một cách kỹ lưỡng, thì năm sinh của ông nhiều khả năng là 1724. Nơi Lê Hữu Trác sinh là xóm Văn Xá, hương Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Lúc nhỏ Lê Hữu Trác theo cha lưu học ở đất Kinh kỳ Thăng Long. Ngày còn đi học, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng là học trò hay chữ và đã thi đậu vào Tam trường.

Năm 19 tuổi, cha mất nên ông phải thôi học về nhà chịu tang, ít lâu sau ông lại xung vào quân ngũ và theo nghiệp kiếm cung.

Nhưng rồi nhận thấy đây là công việc không hợp với ý mình nên chỉ vài năm sau, nghe tin người anh cả mất, Lê Hữu Trác xin ra khỏi quân ngũ, lấy cớ về thay anh nuôi mẹ già 70 tuổi và mấy cháu mồ côi ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).Về Hương Sơn không lâu thì Lê Hữu Trác bị ốm nặng trong vòng 2-3 năm liền, chữa trị khắp nơi không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt Nam. Số là sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở miền Rú Thành, thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Độc. Trần Độc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc rất được nhân dân trong vùng tín nhiệm.

Qua hơn một năm ở nhà thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã khỏi bệnh. Cũng phải nói thêm rằng trong thời gian chữa bệnh tại đây, những lúc rỗi rãi Lê Hữu Trác thường hay mượn bộ sách thuốc Phùng thi cẩm nang của Trung Quốc để đọc, phần lớn ông đều đọc hiểu.

Thầy thuốc Trần Độc rất lấy làm lạ và có ý muốn truyền đạt nghề cho ông. Lúc ông 30 tuổi, tướng của Chúa Trịnh lại cho người tới vời ông trở lại quân ngũ, Lê Hữu Trác cố ý xin từ, ông viết: “Cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ đi lâu rồi, nên xin cố từ, lấy cớ còn mẹ già không thể đi xa được”.

Sau đó ông trở lại Hương Sơn làm một ngôi nhà nhỏ ở ven rừng, quyết chí theo học nghề thuốc. Ông tìm đọc sách, ngày đêm miệt mài, tiếc từng giây, từng phút. Và cũng từ đấy Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông.

Quần thể di tích Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác.
Quần thể di tích Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác.

Vì nơi ở của Hải Thượng rất hẻo lánh, trên không có thầy giỏi để theo học, dưới chẳng có bạn hiền để trao đổi, nên phần nhiều ông phải tự học là chính. Để việc học có kết quả hơn, Hải Thượng đã làm bạn với một thầy thuốc cũng họ Trần ở làng Đỗ Xá gần làng Tĩnh Diệm để cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức thu thập được trong khi đọc sách.

Do kiến thức rộng, chuẩn bệnh, kê đơn thận trọng nên Hải Thượng Lãn ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp khó mà người khác chữa mãi không khỏi. Tên tuổi Hải Thượng vì thế lan rất nhanh khắp vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh, ra tới tận Kinh thành Thăng Long. Cũng trong thời kỳ này, cùng với việc chữa bệnh, cứu người, Hải Thượng còn mở trường đào tạo thầy thuốc. Người quanh vùng và các nơi xa nghe tiếng đều tìm đến học rất đông.

Ông tổ chức ra Hội y, đoàn kết những người đã học xong ra làm nghề và tạo cơ sở cho họ liên lạc, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Vừa chữa bệnh, vừa dạy học, Hải Thượng Lãn Ông vừa biên soạn sách, ông nghĩ: “Tôi thấy y lý bao la, sách vở chồng chất, chia môn xếp loại tản mạn vô cùng. Những sách do những bậc hiền triết tiền bối luận về bệnh, về ý nghĩa của đơn thuốc, về tính vị bài thuốc có nhiều chỗ chưa nói đến nơi, đến chốn, tất phải thâu tóm hàng trăm cuốn, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc”. Bộ sách “Y tông tâm lĩnh ” (nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước), được Hải Thượng Lãn Ông công phu biên soạn trong gần 10 năm, bắt đầu vào lúc ông 36 tuổi (1760) và căn bản hoàn thành khi ông 46 tuổi (1770).

Nhưng từ đó cho đến một năm trước khi ông mất, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hải Thượng còn viết bổ sung thêm một số tập nữa như “Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783), “Vận khí bí điển” (năm 1786).

Toàn bộ sách Hải Thượng để lại mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng như một tài sản vô giá của nền y học cổ truyền Việt Nam gọi là “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v…

Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Ðể tôn vinh công lao to lớn của ông, trong nhiều thập niên qua, quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông tại Hương Sơn, Hà Tĩnh do Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cùng hậu duệ của dòng họ Lê Hữu triển khai, đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành. Tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với một số tổ chức văn hóa, khoa học nghiên cứu xây dựng Ðề án phát triển khu vực này trên cơ sở kết hợp các tiềm năng về di sản văn hóa – tâm linh với du lịch sinh thái, dịch vụ y tế, chăn nuôi, trồng và chế dược liệu.

Tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, các di tích liên quan đến dòng họ Lê Hữu cũng đã xếp hạng quốc gia và được đầu tư tôn tạo.

Bộ Y tế và tỉnh Hà Tĩnh đang có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông.

Danh y Hoàng Đôn Hòa, một ‘Dược Vương’ của nền y học Việt

Vào đầu thế kỷ 16, Hoàng Đôn Hòa đã sinh ra và lớn lên ở làng Đan Khê, xã Thanh Oai, tổng Thanh Oai thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Từ nhỏ cậu bé Đôn Hòa đã ham mê tìm hiểu cây cỏ, thường hỏi han các cụ trong làng, rồi dần dần biết rõ dược tính của các loại cây khắp miền.

Lớn lên Đôn Hòa thi đỗ Giám sinh nhưng ông không muốn ra làm quan mà chỉ dạy học trong làng. Đồng thời ông thực hiện ước mơ ấp ủ từ bé là được hành nghề y chữa bệnh cho người.

Dưới đời vua Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa (1533 – 1548), dịch bệnh lan tràn. Ông đã phát tiền gạo và cho thuốc nhân dân, cứu sống rất nhiều người nên dân làng tôn xưng ông là vị phúc tinh, thanh danh của ông vang lừng khắp nước. Người dân xem ông như Hoa Đà, Biển Thước tái thế, coi ông là phúc tinh, danh tiếng ông cũng vang xa.

Bấy giờ, trong triều công chúa Phương Anh bị bệnh, nhiều thầy thuốc chữa không khỏi, nhưng đã được ông chữa khỏi mau chóng. Nhà vua mến tài gả Phương Anh công chúa cho ông. Phương Anh (sau đổi là Phương Dung) phục tài chữa bệnh và mến phục đức giúp dân của chồng, nên xin về quê giúp chồng tiếp tục nghề thuốc. Hoàng Đôn Hòa và Phương Dung công chúa tự trồng, kiếm lấy thuốc, chọn lọc cây thuốc để chữa bệnh cho dân. Trong những năm dịch bệnh, nhân dân đã được cứu chữa tận tình và chu cấp cả tiền gạo.

Đến đời vua Lê Thế Tông, quân nhà Mạc tiến đánh Thái Nguyên, triều đình nhà Lê muốn cất quân đi đánh nhưng e ngại nơi đây lam sơn chướng khí khiến binh lính bị bệnh. Năm 1574, Vua trưng tập Hoàng Đôn Hòa đi phục vụ quân sĩ, giữ chức Điều bộ lục quân.

Đôn Hòa dùng thuốc hoàn tán chế sẵn cùng các vị thuốc có ở địa phương để chữa bệnh cho binh sĩ và người dân khỏi bị sốt rét và thổ tả. Trong khi đó, công chúa Phương Dung cùng những người giúp việc liên tục cấp phát thuốc men.

Cuối cùng quân nhà Lê cũng thắng trận trở về. Hoàng Đôn Hòa được thăng chức Thị nội Thái y viện thủ phiên, đứng đầu coi việc chữa bệnh trong cung. Ngoài ra ông còn được phong tước Lương Dược Hầu. Với công lao này, có thể coi Hoàng Đôn Hòa là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Quân y Việt Nam.

Tuy vậy, Đôn Hòa không muốn lưu lại kinh thành mà xin trở về quê, vua Lê Thế Tông nài không được. Đôn Hòa về quê nhà, mở lớp dạy học trò và đi khắp nơi chữa bệnh cho thiên hạ.

Danh y Hoàng Đôn Hòa
Tượng Danh y Hoàng Đôn Hòa.

Ngày nay Viện nghiên cứu Hán Nôm vẫn lưu giữ một số bài thuốc của Hoàng Đôn Hoà. Ngoài ra nhiều bài thuốc của ông còn được ghi chép trong cuốn “Hoạt nhân toát yếu”.

Sự tận tình tìm thuốc quý chữa bệnh cho dân của Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Dung được người dân làng Đa Sỹ lưu truyền đến nay. Công chúa Phương Dung không quản khó nhọc cùng chồng lội suối lên non tìm cây thuốc quý đưa về trồng, lại chăm chỉ bào chế thuốc.

Đóng góp về dược học, cụ Hoàng Đôn Hoà đã nêu trên 300 vị trong đó 265 vị là thuốc Nam để bổ sung công dụng như lá Chỉ thiên, vỏ Dưa chuột chữa phạm phòng, Huyết dụ chữa bạch đới, lậu, đái giắt, Gỗ vang chữa ỉa chảy, lá Thanh Táo, cỏ Răng cưa đắp vết thương chảy máu.

Về điều trị vết thương, cụ đã trọng dụng Đại hoàng và vôi, trầu; chữa voi, ngựa, trâu bò bị dịch truyền nhiễm, mắt đỏ, họng đau không nuốt được thì dùng lá cốt khí tím, cỏ Chỉ thiên, sắn giây, gừng già cho uống. Dùng bột Bồ kết thổi vào lỗ mũi trâu bò bị nghẹt thở sẽ khỏi. Dùng Củ nâu, lá Đậu ván, lá Duối chữa trâu bò đau bụng. Kể một vài vị như thế để thấy tính dân tộc đại chúng của trước tác.

Hoàng Đôn Hoà không chỉ quan tâm đến thuốc trị bệnh, ông cũng coi trọng khí công, nhắc đến phép thanh tâm quả dục kèm phương pháp Tĩnh công hô hấp để dưỡng sinh. Những điều này đều có trong cuốn sách “Hoạt nhân toát yếu”. Ông tóm tắt phép dưỡng bệnh:

Bẩm sinh cá tính éo lé
Rượu ngon gái đẹp bét nhè làm sao
Tiếc thay bệnh phát lúc nào
Ngàn vàng dốc hết, thuốc vào như không.

Nhờ cách dùng giản tiện và tác dụng độc đáo, tác phẩm Hoạt nhân toát yếu đã trở thành những phương thuốc hay của dân tộc, là một cống hiến cho nền y dược lâu đời của nước ta. Chúng ta nên và cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm thêm những tác dụng độc đáo của các vị thuốc trên.

Sau khi vợ chồng Hoàng Đôn Hòa mất, người dân làng Đa Sỹ, Kiến Hưng, Hà Đông đã lập miếu thờ. Công lao của ông đã được dân làng ghi tạc 3 bức hoành phi “Âm dương hợp đức”, “Lương y quốc”, “Thọ tư dân”. Nhiều câu chuyện về hai vợ chồng danh y được người dân nhớ mãi. Người dân xem ông như “Dược vương” và khắc câu đối thờ Hoàng Đôn Hoà:

Trung nhạc giáng thần, hộ quốc huân cần lưu yếu diệm.
Dược vương xuất thế, hoạt nhân công đức mẫn hoàn doanh.

Nghĩa là:

Thần trung nhạc giáng sinh giúp nước ân cần lưu phương châu ngọc.
Dược vương xuất thế cứu người công đức khắp cõi bao la.

Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa ở làng Đa Sỹ.
Miếu thờ danh y Hoàng Đôn Hòa ở làng Đa Sỹ.

Các Triều đại Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn đã sắc phong cho Hoàng Đôn Hòa là “Lương dược đại vương”, công chúa Phương Dung là “Từ thục trinh ý kỵ nương”. Còn nhiều các sắc phong nữa, tổng cộng có 42 sắc phong của các đời Vua khác nhau. Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng Giêng là ngày tế lễ ông ở làng Đa sĩ và xã Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, một ‘Thánh Y’ của nền y học Việt

Thông tin về cuộc đời của Thiền sư Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh – 1330-?) không có nhiều, nhưng đủ để người đời sau tôn vinh ông là một đại danh y, một vị Thánh thuốc Nam, ông tổ của ngành y dược Việt. Triết lý chữa bệnh của Tuệ Tĩnh là dùng Nam dược trị Nam nhân!

Tuệ Tĩnh quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông có tên hiệu là Tráng Tử Vô Dật. Mồ côi mẹ lúc 6 tuổi Nguyễn Bá Tĩnh được các nhà sư chùa Hải Triều (Hải Dương) và chùa Giao Thủy (Nam Định) nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi ông đậu Thái học sinh (đệ nhị giáp tiến sĩ) dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là thời gian ông học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Ông gây dựng nên phong trào trồng thuốc ở mọi nhà, khắp vườn chùa, từ cỏ cây, hoa lá, củ quả của Việt Nam, từ những bài thuốc đơn giản mà công dụng đã cứu được nhiều người bệnh nghèo khổ, dập được những trận dịch bệnh lớn trong nhân dân. Sự nghiệp y học của ông đã thúc đẩy việc trồng dược liệu ở Việt Nam phát triển. Ông còn truyền dậy cho người dân cách tìm loại cây chữa các bệnh thông thường, trồng trong vườn nhà, chùa làng để sử dụng khi cần thiết. Ông cũng hướng dẫn mọi người cách phòng tránh bệnh để có sức khỏe tốt.

Các công trình nghiên cứu của ông được soạn thành sách tiêu biểu như các tác phẩm “Dược tính nam chỉ” và “Thập tam phương gia giảm” (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn nguyên vẹn do nhiều nguyên nhân. Những tác phẩm còn lại cho đến ngày nay là đều do người đời sau thu thập tài liệu còn sót lại trong nhân dân để biên tập lại. Đó là bộ “Nam dược thần hiệu” do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc, Trung Đô (nay thuộc Hòe Nhai, Hàng Than, Hà Nội) biên tập, bổ sung vào năm Tân Tỵ (1761). Trong đó giới thiệu 580 vị thuốc Nam và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh.

Cuốn “Nam dược chính bản” do triều vua Lê Dụ Tông biên tập sau đổi thành “Hồng nghĩa giác tư y thư” được in vào năm Đinh Dậu (1717) gồm quyển Thượng và quyển Hạ. Trong đó quyển Thượng “Nam dược quốc ngữ phú” (Trực giải chỉ Nam dược tính phú) dùng chỉ dẫn tính năng các bài thuốc gồm 590 vị thuốc nam và “Trực giải chỉ nam dược tính phú” gồm 220 vị thuốc nam và một thiên y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch. Thiên này xuất hiện ở bản in lại năm 1723.

Cuốn “Thập tam phương gia giảm” có 242 vị, gồm 13 cách sử dụng gia giảm khi dùng thuốc (hay 13 bài thuốc nam). Trong mỗi phương thuốc đều ghi rõ công thức và cách dùng gia giảm như thế nào cho phù hợp,…

Những tác phẩm này của Tuệ Tĩnh đã để lại cho đời sau một tầm nhìn sâu rộng về y học của nước nhà. Vấn đề lý luận và thực tiễn vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Đặc biệt là cuốn “Nam dược thần hiệu” được coi là kim chỉ nam cho nhiều thầy thuốc.

Đền Bia, (thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn) – nơi ghi tạc lời di nguyện của Tuệ Tĩnh.

Tuệ Tĩnh là người nắm vững y lý Đông y và là người có công đầu trong việc sưu tầm, nghiên cứu dược tính và chẩn đoán bằng thuốc Nam, phổ biến cho người dân những bài thuốc thông thường để có thể tự kiếm và điều trị. Tuệ Tĩnh luôn nhắc nhở mọi người chú ý đến nguyên nhân gây bệnh và khuyến khích mọi người tìm biện pháp phòng bệnh tích cực. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng của việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Phương pháp dưỡng sinh được Ông tóm tắt trong 14 chữ:

“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình” .

3 thói quen đơn giản giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể

Dịch bệnh toàn cầu kéo dài khiến cho câu hỏi ‘làm thế nào để nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể’ đã trở thành một đề tài thiết thực và quan trọng. Muốn chống lại virus corona mới, chỉ dựa vào vắc-xin và khẩu trang là vẫn chưa đủ; các nghiên cứu khoa học chỉ ra, có 3 thói quen có thể nâng cao khả năng miễn dịch một cách hiệu quả, giúp chống lại sự xâm nhập của virus.

1. Làm việc nghỉ ngơi có quy luật, ngủ đầy đủ

Trong giấc ngủ, cơ thể người sẽ tự phục hồi

Con người là một thể sinh mệnh có quy luật, đi ngủ buổi tối và thức dậy vào buổi sáng, khi bạn làm việc và nghỉ ngơi theo đồng hồ sinh học của bản thân thì sẽ có lợi cho sức khỏe của mình.

Ngủ, nhất là ngủ vào buổi tối, đó không phải là lãng phí thời gian, mà là cơ thể đang tiến hành việc quan trọng: tự chữa và phục hồi.

Khi bạn bị cảm mạo, buổi tối uống một chén thuốc cảm mạo, sau đó ngủ một giấc, thông thường đến sáng hôm sau thì sẽ khỏi trên 50%. Đây là vì khi đại não nghỉ ngơi, cơ thể thuộc trạng thái thả lỏng, áp lực được giải tỏa. Lúc này, hệ thống miễn dịch bắt đầu tự sửa chữa điều chỉnh, chức năng miễn dịch cũng được khôi phục, virus trong cơ thể càng dễ được loại bỏ.

Ngủ là lúc cơ thể đang tiến hành việc tự chữa và phục hồi.
Continue reading “3 thói quen đơn giản giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể”

Bù đắp dương khí cho cơ thể – một việc vô cùng quan trọng trong đời người

Đông y rất chú trọng đến dương khí trong cơ thể, nó chính là “năng lượng” giúp cơ thể vận hành.

Một cách dễ hiểu có thể hình dung, dương khí giống như ánh nắng mặt trời giúp sưởi ấm, và vô cùng cần thiết cho quang hợp của cây cối. Còn âm khí, giống như dòng nước mát, mang đến nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá cho cây cối.

Khí âm nhiều, tích tụ nhiều, cơ thể sẽ béo. Khí dương nhiều, tiêu hóa mạnh, cơ thể sẽ gầy.

Luân chuyển âm dương trong trời đất vô cùng huyền diệu. Nước mưa rơi xuống, tưới mát cho cây cối, nhưng mưa nhiều quá sẽ làm ẩm thấp tù đọng. Ánh nắng mặt trời rọi xuống sưởi ấm, làm nước bốc hơi, khí hóa, vận chuyển và tuần hoàn. Hơi nóng nhiều quá sẽ làm khô héo, rạn nứt.

Trong cơ thể cũng vậy, khí dương có tác dụng giúp thúc đẩy các cơ quan tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn, khí hóa cơ thể.

Thiếu dương khí cơ thể sẽ thế nào?

  1. Tinh thần uể oải, làm việc gì cũng cảm thấy rất mệt mỏi, thiếu sức sống.
  2. Tay chân không còn ấm như trước, tay lạnh làm một dấu hiệu rõ ràng của việc thiếu dương khí
  3. Cảm giác thèm ăn sẽ trở nên kém đi, bạn sẽ ăn không ngon, hoặc ăn uống kén chọn hơn.
  4. Chức năng tiêu hóa cũng sẽ có vấn đề, bạn sẽ cảm thấy khó tiêu hoặc đầy bụng.
Nước có tính âm hàn. Uống nhiều nước hoặc uống nước lạnh không tốt cho cơ thể.
Continue reading “Bù đắp dương khí cho cơ thể – một việc vô cùng quan trọng trong đời người”