Đồ uống thay thế sữa

Báo Vision Times ngày 10/12 có bài: “Sản phẩm thay thế sữa đang bán chạy!”

Trong nhiều thập kỷ qua, sữa đã được quảng bá rầm rộ là một nguồn bổ xung protein và canxi, nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở hái ra tiền.

Tuy nhiên, một số chuyên gia như Tiến sĩ Clement ở Viện Sức khỏe Hippocrates của California, nói rằng khả năng dinh dưỡng của sữa thương mại là không như quảng cáo, đặc biệt khi nó đã được tiệt trùng.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng canxi mà chúng ta nhận được từ các sản phẩm động vật được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua nước tiểu.

Ngày càng có nhiều người chọn một đồ uống khác thay thế sữa từ động vật. Theo báo cáo của Nielson, doanh số bán sữa giảm 6%, trong khi các sản phẩm thay thế có nguồn gốc từ thực vật tăng 9% trong năm 2018.

Các sản phẩm thay thế sữa có thể là: sữa đậu nành, sữa dừa, sữa yến mạch, sữa hạnh nhân, sữa đậu phộng, sữa hạt điều, sữa bắp, sữa mè và sữa gạo lứt.

Sữa bắp tốt cho đường ruột, sữa đậu nành tốt cho tim mạch, sữa đậu phộng làm đẹp da, sữa mè đen trị mụn, sữa gạo lứt duy trì hệ thần kinh minh mẫn. Đây đúng là những đồ uống vừa ngon vừa lành, thật tuyệt vời! 

Ăn ớt giúp tán hàn, tiêu thực

Báo CNN ngày 16/12 có bài “Nghiên cứu cho biết ăn ớt giúp giảm nguy cơ tử vong do đau tim và đột quỵ” của Jack Guy.

Nghiên cứu được thực hiện ở Ý, nơi người ta ăn khá nhiều ớt, họ so sánh tình trạng sức khỏe của 23.000 người trong 8 năm. Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong do đau tim thấp hơn 40% đối với những người ăn ớt 4 lần trở lên mỗi tuần.

Theo Đông y, quả ớt có vị cay, tính nóng, đi vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng tán hàn, chữa sốt rét, tiêu thực, giảm đau, hạ huyết áp và tốt cho tim .

Ăn ớt nhiều không tốt, vì nó kích phát các chứng bệnh hỏa nhiệt, dùng lâu có thể sinh trĩ và viêm họng.

Ớt là một loại gia vị quen thuộc không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình. Nhiều người không ăn được ớt, hoặc ăn được một chút thì cũng phải xuýt xoa “ớt gì mà cay thế”.

Nhưng “thuốc đắng giã tật”! Phải chăng khi bạn quen ăn cay, quen chịu những cú sốc “đến nấc cả lên”, nên bạn khó có thể bị “đột quỵ”? 😃😄😁

Trông mặt mà bắt hình dong

Đông y xem cơ thể gồm có lục phủ và ngũ tạng, trong đó lấy “tạng” làm trung tâm. Khí huyết từ ngũ tạng thông qua kinh mạch và dịch của cơ thể, sẽ thể hiện ra bên ngoài, da, lông tóc, khuôn mặt và tứ chi.

Ngũ tạng gồm có tim, phổi, tỳ, ganvà thận:

1. Tim: chủ quản về tinh thần, hợp nhất với kinh mạch trong cơ thể, tương thông với lưỡi, thể hiện trên khuôn mặt.

Khí huyết của tim đầy đủ khiến sắc mặt hồng nhuận. Nếu huyết tại tim không đủ, sắc mặt nhợt nhạt, thậm chí vàng vọt. Khí huyết tắc nghẽn, thì sắc mặt tím tái, vô hồn.

2. Phổi: chủ trị về hô hấp, hợp với da, bắt đầu từ mũi, biểu hiện tại lông, tóc.

Khí tại phổi sung mãn, thì lông tóc mượt, lỗ chân lông đóng mở bình thường, nhiệt độ cơ thể bình ổn. Nếu khí tại phổi hư nhược, lông tóc sẽ khô, cơ thể mất cân bằng về nhiệt độ và dễ bị tà khí xâm nhập.

3. Tỳ (lá lách): chủ quản về vận động, tiêu hoá, huyết thống, hợp nhất với hệ cơ, bắt đầu từ miệng, hoá tại môi.

Khí tỳ vận chuyển tốt thì thân thể khoẻ mạnh, hệ cơ săn chắc, sắc môi hồng nhuận. Nếu khí tỳ mất cân bằng, thì hệ cơ tiêu mòn, tứ chi mệt mỏi, sắc môi nhợt nhạt.

4. Gan: chủ về bài tiết, tàng huyết, hợp nhất với gân trong cơ thể, bắt đầu từ mắt, hoá tại móng.

Khí huyết của gan sung mãn, gân cốt linh hoạt, hai mắt sáng tỏ. Nếu huyết của gan không đủ, thì co duỗi chậm chạp, móng chân móng tay khô, hai mắt nhìn không rõ. Gan bốc hoả thì mắt sưng đỏ.

5. Thận: chủ về tàng tinh, hợp nhất với xương cốt trong cơ thể, bắt đầu từ tai và tiền âm, hậu âm, kết thúc tại tóc.

Thận tinh sung mãn thì xương cốt rắn chắc, tứ chi nhẹ nhàng, hành động nhanh nhẹn, tóc đen tốt, răng chắc. Nếu thận tinh bất túc thì hệ xương mềm yếu, lưng cong, chân yếu nhược, tóc khô rụng, răng lung lay.

Tướng mạo của một người như vậy có liên quan mật thiết tới chức năng của ngũ tạng.

Khi có dịp chúng ta sẽ bàn tiếp về sự tương quan của tính khí, tính cách tới các tạng phủ để từ đó thấy được “tướng do tâm sinh”.

Chẳng hạn nóng giận hại gan. Khí của gan suy yếu làm mắt kèm nhèm. Chữa mắt kém có thể dùng thuốc bổ gan, nhưng tốt nhất là sửa đi cái tính nóng nảy. Nóng nảy thường đi với uất hận, là từ tâm danh và đố kỵ mà ra.

Tắm nước lạnh giữa trời tuyết rơi

Cảnh ghi lại từ trường mẫu giáo 317 ở Krasnoyarsk, Nga đã gây ngạc nhiên khi có 1 lớp học chừng 10 em bé từ 3 – 6 tuổi chạy ra ngoài chơi giữa trời tuyết lạnh, khi các bé chỉ mặc duy nhất một chiếc quần lót trên người. Các em còn tự tay dội những xô nước từ trên đỉnh đầu xuống.

Những đứa trẻ này đang tham gia vào chương trình học nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ. Chương trình học này áp dụng khi nhiệt độ ngoài trời khoảng từ -6 độ C đến -18 độ C.

Nhà trường cần sự đồng ý của phụ huynh cho phép con mình tham gia vì việc tắm nước lạnh trong thời tiết băng tuyết là chương trình học không bắt buộc. Tuy nhiên, giống như một trò chơi, hầu hết các trẻ em đều hào hứng, nhiệt tình khi tham gia và chấp nhận dội nước làm ướt hết người mặc dù nhiệt độ ngoài trời xuống âm độ.

Một cậu bé tham gia môn học này cho biết: “Con không lạnh, con cảm thấy ấm áp”, trong khi một bé gái khác tên là Alina hào hứng chia sẻ: “Chơi trò này rất thú vị”.

Giáo viên mầm non, đồng thời là huấn luyện viên bơi lội, Oksana Kabotko, 41 tuổi chia sẻ: “Trẻ em nên tắm bằng nước lạnh thường xuyên, kể cả khi nhiệt độ xuống thấp. Ở đây, các bé sẽ tắm nước lạnh trên tuyết hàng ngày chứ không phải hai tuần một lần.”.

Olesya Osintseva, hiệu trưởng của một trường mẫu giáo ở Siberi cho biết: đã có nhiều học sinh ở trường cô thường bị bệnh cúm trước khi cô đưa chương trình tắm nước lạnh vào giờ học. Cô cho biết: “Có những thời điểm một nửa học sinh không đi nhà trẻ do bị bệnh. Rõ ràng đây là một lời thách đố, nhà trường cần phải làm một cái gì đó để trẻ khỏe mạnh và có sức dẻo dai hơn giúp chống lại virus. Và chúng tôi đã đi đến quyết định thúc đẩy khả năng miễn dịch của trẻ bằng cách cho trẻ “tập thể dục” với việc tắm nước lạnh giữa trời tuyết lạnh giá.

Chúng tôi đã thử nghiệm việc này trên bản thân mình và con cái của chúng tôi trước. Khi đó, lần đầu tiên, cả người lớn và trẻ em đi ra ngoài trời và chơi với nước lạnh bằng chân. Sau một tháng, thì chúng tôi đã có thể dội những xô nước từ trên đầu mình xuống. Và những gì chúng tôi thu được sau sáu tháng thử nghiệm đó là sức đề kháng của cơ thể đã tăng lên mạnh mẽ. Bây giờ học sinh của chúng tôi đã có thể đi học đều và thậm chí nếu ai đó đã bị bệnh, thì họ cũng mau chóng hồi phục”.

(Nguồn: The Sun, Mirror )

Ngủ đủ giấc và dậy sớm

Thế nào là ngủ đủ giấc? Một nghiên cứu của Tây y cho rằng giấc ngủ có chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút. Trong mỗi chu kỳ có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là thiu thiu ngủ, trạng thái chuyển tiếp từ tỉnh táo bước dần vào giấc ngủ. Khoảng thời gian này tương đối ngắn, bạn dễ tỉnh giấc hơn so với các giai đoạn khác.

Giai đoạn 2 là ngủ lơ mơ, xảy ra khi cơ thể bắt đầu chuyển sang giấc ngủ sâu hơn. Ở giai đoạn này bạn bắt đầu khó tỉnh giấc hơn.

Giai đoạn 3 là giấc ngủ sâu. Giai đoạn giấc ngủ sâu thường dao động khoảng từ 45 – 90 phút, bạn sẽ rất khó bị đánh thức ngay cả khi có tiếng động lớn.

Giai đoạn 4 là giấc ngủ rất sâu, chiếm khoảng 20% tổng thời gian ngủ. Lúc này cơ thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu bạn bị đánh thức ở giai đoạn ngủ rất sâu, bạn sẽ cảm thấy mất phương hướng, choáng váng và mất một vài phút sau đó não bộ mới hoạt động trở lại bình thường.

Giai đoạn 5 là giấc ngủ mơ. Cơ thể đi vào giấc ngủ mơ khoảng 90 phút sau khi ngủ. Trạng thái này gần giống với trạng thái thức hơn so với các giai đoạn khác. Đây là lúc những giấc mơ bắt đầu xuất hiện. Não tạm thời làm tê liệt cánh tay và chân để ngăn cơ thể thực hiện giống như trong mơ.

Giai đoạn giấc ngủ sâu đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của não, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong chu kỳ giấc ngủ.

Vì thế ngủ đủ giấc không phải là ngủ nhiều, mà là tỉnh dậy đúng vào lúc ngủ mơ, sau khi đã ngủ sâu và rất sâu. Ngủ đủ giấc tương ứng với việc ngủ đủ chu kỳ.

Mỗi chu kỳ tính là 90 phút, vì vậy ngủ 5 chu kỳ tương ứng với ngủ khoảng 7 tiếng rưỡi.

Khi đặt đồng hồ báo thức cho những lúc phải dậy sớm, bạn nên tính số thời gian ngủ là bội số của chu kỳ 90 phút, chẳng hạn 3 chu kỳ là ngủ 4 tiếng rưỡi, 4 chu kỳ là ngủ 6 tiếng.

Theo Đông Y, khi cơ thể nằm xuống thì các luồng kinh khí của toàn thân sẽ quay về các phủ tạng tương ứng. Một khi kinh khí đã về đúng vị trí của nó thì cơ thể tự nhiên sẽ cảm thấy hơi lạnh, cho nên lúc này người ta thường muốn kéo chăn đắp. Sau một ngày hoạt động, cơ thể chúng ta đã tiêu hao không ít tinh lực, nên tối đến, kinh khí phải quay về phủ tạng để phục hồi tinh lực.

Nếu chúng ta thức khuya, kinh khí sẽ không thể trở về đúng vị trí của nó, khiến phủ tạng không tự phục hồi được. Trong trường hợp như vậy, kinh khí không những không bảo dưỡng cho phủ tạng mà còn tiếp tục bị hao trừ. So với ban ngày, thức khuya tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, nó bòn rút cả tinh lực của tạng phủ, làm suy kiệt nhanh chóng cơ thể chúng ta.

Nếu có ít thời gian để ngủ, chúng ta nên sắp xếp để ngủ sớm trước 11 giờ, tốt nhất là trong khoảng từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, tức là vào giờ Tý (giờ vượng khí của Đởm), giờ Sửu (giờ vượng khí của Can) và giờ Dần (giờ vượng khí của Phế).

Chúng ta cũng nên tranh thủ dậy sớm trước 5 giờ sáng. Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng là giờ của đại tràng, là thời gian giúp quá trình trao đổi chất thông thuận hơn, giúp làn da mịn màng hơn. Ngủ không đủ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh, còn ngủ sớm và dậy sớm sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch.

Cuối cùng, để có một giấc ngủ ngon, điều cốt yếu lại không phải là ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Giấc ngủ ngon, cũng như một cuộc sống thư thái, bình yên, chỉ đến khi chúng ta biết buông bỏ. Hãy tha thứ và bao dung với tất cả trước khi đi ngủ, để ngày mai sảng khoái thức dậy, tràn trề nhựa sống, đắm mình trong ánh sáng mới mà thốt lên “cuộc sống thật là tươi đẹp!”