Đọc lại bài thơ Cảnh Nhàn

Đọc lại bài thơ Cảnh Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Bài thơ thật hay,
Người ngốc là người đáng yêu,
Người ngốc đáng yêu vì không có toan tính.
Càng toan tính càng đau khổ,
Người biết đủ thường vui.
Sống đơn giản, biết chấp nhận, thì hạnh phúc đang ở bên.

Tắm nước lạnh hay nước nóng

Mùa hè thường mọi người tắm nước lạnh cho mát, nhưng cũng có nhiều người chỉ thích dùng nước nóng. Cũng có người tắm được cả nước lạnh trong mùa đông.

Thực ra, tắm cũng là một biện pháp dưỡng sinh, nên tuỳ cơ ứng biến với cả nước nóng và nước lạnh.

Tắm có thể điều chỉnh cơ thể khá mạnh. Cái nóng nực, bức bối của mùa hè có thể xua đi nhanh chóng bằng mấy gáo nước lạnh. Những người thân nhiệt nóng, cũng thường thích hạ nhiệt bằng tắm nước mát.

Ngược lại, những người thân nhiệt lạnh, cơ thể yếu hoặc đang có bệnh, thường sợ tắm, sợ nước lạnh. Sợ nước thì cũng không nên tắm nhiều. Nhưng có thể khắc phục bằng cách dùng nước ấm và đặc biệt thêm các thành phần dương tính như muối, gừng hoặc tinh dầu nóng, giúp cơ thể thích tắm hơn, vì những loại phụ gia này giúp đẩy được hàn khí trong cơ thể ra ngoài.

Một số bệnh đơn giản như cảm mạo, ho hen, … có thể dùng bài nước lá xông rất hiệu quả. Đun một nồi nước lá xông, dùng hơi nước nóng xông cả người, cho ra mồ hôi. Các khí độc, khí bệnh cũng theo mồ hôi mà được đẩy ra ngoài.

Lá xông có thể mua ngoài chợ, hoặc tự tìm, bao gồm những thứ như: lá tre, lá sả, lá bưởi (hoặc vỏ bưởi), ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô, mỗi loại 10 – 20 g hoặc một nắm to.

Nếu không thích xông cả người, bạn có thể chỉ cần xông chân. Đun một nồi nước với gừng và muối, cho vào hai cái xô. Mỗi xô cho một, hai viên gạch. Mỗi bên xô, cho một chân vào, dẫm lên gạch, và bọc kín xô với chân lại.

Các độc tố trong cơ thể thường tích tụ xuống chân, chẳng thế mà có nhiều người chân rất hôi. Nếu không xông, bạn cũng nên thường xuyên ngâm chân với nước muối nóng.

Những người khoẻ mạnh, nên trải nghiệm cả bài tắm nước lạnh. Tắm nước lạnh trong mùa đông, có thể chỉ là một vài gáo cho người tỉnh táo, rồi bạn lại tắm nước ấm lại bình thường. Nước lạnh kích thích thần kinh, giúp lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch.

Cuối cùng, chúng ta cần biết, tắm đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vì nước là âm, đêm cũng là âm, nếu thêm một chút gió thì sẽ càng âm nặng. Những cái âm đi với nhau sẽ kéo cơ thể bạn xuống rất sâu, gây nguy hiểm.

Cảnh giác với lời khen, bình tâm nghe lời trách

Khổng Tử dạy: “Cảnh giác với lời khen, bình tâm nghe lời trách”.

Cảnh giác không có nghĩa là đoạn tuyệt. Lời khen rất cần thiết, nói với nhau những lời nên nói, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Người biết khen đúng lúc chính là người có khả năng quản lý tuyệt vời.

Tuy nhiên, khi bạn được khen nhiều, là lúc bạn đang đạt được nhiều thành công. Có thể bạn đang ở trên đỉnh dốc rồi. Nếu bạn không cảnh giác, không tự nhìn lại bản thân, rất có thể bạn sẽ lao xuống dốc không phanh.

Cuộc đời chính là những con dốc. Hết dốc này đến dốc khác. Nếu bạn chọn leo cái dốc càng cao, thì bạn sẽ càng gặp nhiều lời trách móc. Trách móc không phải bởi vì bạn quá tệ, mà trách móc bởi bạn chưa xứng với đỉnh dốc. Chỉ đơn giản là bạn chưa hoàn thiện.

Vì thế, chúng ta hãy thử bình tâm lắng nghe, xem xem mình còn cách đỉnh dốc bao xa.

Gột rửa tâm hồn

Hoạ sĩ chính là người có khả năng mang hơi thở của cuộc sống vào trong bức tranh.

Màu sắc, hình khối và từng nét vẽ trong tranh đều sẽ mang theo năng lượng và sức sống của người vẽ.

Những bức tranh thuần tịnh chất chứa trong nó “ánh sáng trong lành”, có thể giúp chúng ta “gột rửa tâm hồn”. 

Đừng để lòng mình cuốn đi theo chiều gió

Sống trên đời, nếu chỉ nương theo thái độ của người khác mà hành xử, chiều theo lòng mọi người, mong cầu sự yêu thương của mọi người, thì kết cục lại thường không như mong đợi.

Trong cuộc sống, luôn có người tôn trọng bạn và cũng luôn có người sẽ coi thường bạn. Dẫu cố gắng đến đâu, bạn cũng chẳng thể nào làm vừa lòng tất cả.

Cuộc đời và vận mệnh phải do chính mình nắm giữ. Cứ sống đúng là mình, chân thành và thiện lương, những gì vốn là của bạn, nó sẽ là của bạn. Những gì không phải của bạn, thì dù có dành lấy được, rồi có lúc nó cũng sẽ âm thầm ra đi. Đạo lý chỉ đơn giản như vậy.

Cổ nhân có câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái cốt lõi thường không thay đổi. Tĩnh lặng nhìn cuộc đời, chính là đang biết tự đặt mình vào cái bất biến bên trong. Còn bên ngoài, cuộc đời luôn thay đổi, muôn hình vạn trạng, biến đổi khôn lường, chỉ lỡ thả lỏng tâm trí một chút, là nó sẽ bị trôi ngay theo dòng đời ô trọc.