Ăn cơm cho no

Như đã hứa, hôm nay chúng ta cùng bàn về cơm-gạo. Cơm-gạo nhẽ ra phải được nhắc đến trước ngô-khoai.

Giới thiệu với các bạn khái niệm “tháp dinh dưỡng”. Nhìn vào tháp dinh dưỡng, chúng ta sẽ thấy phần đáy, phần cần được “ăn nhiều nhất”, chính là ngũ cốc và các loại củ, nói nôm na là gạo-ngô-khoai-sắn.

Tiếp đến lần lượt là các phần “ăn nhiều” gồm rau-củ-quả, phần “ăn vừa” gồm thịt-cá, phần “ăn ít” gồm dầu-mỡ-đường-muối.

Cơm-gạo quan trọng như thế, nhưng không hiểu sao lại có một “phong trào” ăn cơm ít và một “nỗi ám ảnh” về ăn cơm sẽ tăng cân.

Thật ra nguồn gốc của béo phì, chính là ở sự thiếu hiểu biết về tháp dinh dưỡng. Chúng ta cần phải ăn đủ các thành phần và mỗi thành phần với một tỷ lệ phù hợp.

Khi chúng ta ăn thực phẩm chế biến công nghiệp và ăn đơn điệu, thì dù có ăn no chúng ta cũng vẫn luôn cảm thấy “thiêu thiếu”. Cảm giác “thiêu thiếu” này là do cơ thể thiếu các khoáng chất vi lượng.

Các khoáng chất vi lượng này đặc biệt có nhiều ở vỏ cám của gạo, có trong các loại ngũ cốc và trong rau-củ-quả thô chưa qua chế biến.

Cảm giác “thiêu thiếu” này đôi khi biến thành cảm giác “nhanh đói”, làm chúng ta hay ăn vặt hoặc ăn nhiều bữa. Đây là lúc cơ thể bắt chúng ta ăn thêm để tìm kiếm các khoáng chất vi lượng. Nếu chúng ta tiếp tục ăn như cũ, ăn đơn điệu, thì cảm giác no mà vẫn thấy “thiêu thiếu” cứ tiếp diễn mãi, dẫn đến tăng cân và béo phì.

Nếu chúng ta biết “ăn cơm cho no”, đặc biệt là ăn cơm gạo lứt (gạo có vỏ cám) và ăn thêm cho đủ các thành phần rau-củ-quả, đặc biệt là các loại hạt và củ cứng, chứa nhiều khoáng chất vi lượng, thì có thể ăn no mà chẳng bao giờ sợ tăng cân.

Gạo lứt là một lựa chọn tốt, nhưng không phải ai cũng biết ăn. Nếu ăn được, bạn sẽ cảm nhận rõ trạng thái “no lâu và không thèm ăn vặt” của cơm gạo lứt.

Nếu không quen ăn cơm gạo lứt, bạn có thể ăn cơm trắng, nhưng cần bổ xung thêm cho đủ các loại ngô-khoai-sắn và rau-củ-quả thô.

Buông tay đúng lúc

Buông tay đúng lúc là lòng bao dung vô bờ của cha mẹ.

Nuôi dạy con cái không phải là nâng niu chúng trong lòng bàn tay mà là để chúng tự bước đi, học cách sống độc lập.

Nhà tâm lý học Đức Erikson nói: “Trẻ bắt đầu từ 1 tuổi đã hình thành quan niệm về bản thân, từ 3 tuổi đã bước vào thời kỳ biết tự trọng. Sự giúp đỡ quá mức của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy mình không có năng lực”.

Cảm giác được khẳng định đối với trẻ là vô cùng quan trọng. Đó là tiền đề và nguồn động lực để trẻ biết yêu thương, biết cho đi, biết gánh vác trách nhiệm.

Loại cảm giác này đến từ việc độc lập hoàn thành những việc mà mình có khả năng làm được.

Đừng cảm thấy phiền phức, hãy buông tay, để trẻ tự làm, để trẻ trưởng thành với thời gian.

Rất có thể buông tay sẽ bớt đi một chút ấm áp của cảm giác ôm chặt và thêm vào một chút dư vị của tiếc nuối, xa cách.

Nhưng đó là cuộc sống. Mỗi người một số phận. Không ai có thể định hướng hay thay đổi cuộc đời người khác được.

Chúng ta phải kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ

Chúng ta có thể hồ hởi, tươi cười với một người dưng, nhưng lại hờ hững, thiếu quan tâm với những người thân quen.

Chúng ta có thể dành sự kiên nhẫn, bao dung, cung kính cho những người xa lạ, nhưng lại nông nổi, trách móc và hà khắc với những người thân quen.

Tại sao lại thế?

Phải chăng vì chúng ta cho rằng những người thân quen sẽ chẳng bao giờ rời xa, chẳng bao giờ bỏ mình mà đi?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải quan tâm, lắng nghe và chịu đựng tất cả những gì gọi là hờn giận và uất hận chất chứa trong lòng chúng ta, đang được dịp bùng phát ra?

Phải chăng vì họ là thân quen, nên họ phải bao dung, vị tha và bỏ qua cho những lỗi lầm của chúng ta?

Cuộc đời, xét cho cùng, chính là những nghịch lý.

Với người lạ, chúng ta luôn có những vỏ bọc, rào chắn. Dường chúng ta luôn hoàn hảo, lịch sự và đáng yêu.

Nhưng với người quen, khi không có vỏ bọc, những cái xấu của chúng ta, dù nhỏ cũng dễ dàng bộc lộ ra, thậm chí còn bị thổi phồng lên. Từ một người đáng yêu, chúng ta có thể trở thành thô lỗ, cục cằn, hay cằn nhằn, trách móc.

Không phải chúng ta đã thay đổi, không phải chúng ta đạo đức giả. Chúng ta vẫn thế, chỉ là chúng ta không hoàn hảo.

Vậy phải làm thế nào? Có hai cách.

Cách thứ nhất, chính là coi mọi người như “người lạ”, để kính trọng, nhường nhịn, để bao dung, tha thứ. Thậm chí, chúng ta phải học cách để có thể kính trọng, khiêm nhường trước cả một đứa trẻ.

Cách thứ hai, học và làm theo câu “thất bại là mẹ của thành công”. Nếu chúng ta biết chấp nhận, biết hy sinh, biết nhẫn nhịn, biết lấy cái sai của người làm bài học của mình, thì thành công sẽ đến, hoà thuận sẽ trở lại và cả hai đều sẽ trở nên tốt hơn.

Sửa mình bao giờ cũng dễ hơn sửa người. Với người thì hãy kính trọng và khiêm nhường.

Ngô luộc nóng hổi

“Ngô, khoai, sắn” từng được coi là thức ăn độn, thời thóc gạo thiếu phải nấu cùng cơm, để ăn cho no. Ngô, khoai, sắn là những thực phẩm quê mùa, mộc mạc và dễ bị coi thường vì nó còn được dùng để làm thức ăn cho gia súc.

Trong các loại thức ăn, cơm gạo vẫn là thực phẩm hạng nhất, gạo được ví như là hạt ngọc của trời. Khi mời nhau dùng bữa, không cần biết hôm nay ăn gì, người ta vãn trân trọng nói “mời cụ xơi cơm”, “mời bác ăn cơm”, …

Chính vì thế, không phải cứ thực phẩm đắt tiền mới là quý. Thực ra, những cái gì dùng để ăn no được, ăn thường xuyên được mới đáng gọi là quý, đáng gọi là hạng nhất. Nếu gạo được ví như ngọc quý, thì ngô chắc chắn cũng phải là đá quý, là thực phẩm thượng hạng!

Sẽ có một bài riêng về “gạo”, hôm nay nhân có người ăn ngô mà không biết ngô quý thế nào, nên viết tạm vài dòng về ngô trước đã.

Ngô non luộc ăn có vị thơm ngọt, dễ ăn. Ngô già có thể say làm bột nấu cháo. Bột ngô giàu chất xơ, tốt cho tiêu hóa. Hạt ngô già có thể rang bung thành bỏng ngô, ăn có vị thơm giòn.

Ngô giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, giảm viêm, tăng hàm lượng chất sắt, cải thiện thị lực.

Nước râu ngô giúp điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, ngăn ngừa sỏi thận, giảm huyết áp và giảm lượng đường trong máu.

Chú ý khi luộc ngô: Bạn nhớ để lại râu ngô để luộc cùng. Cho nước 2/3 hoặc xâm xấp rồi bắc lên bếp đun, sôi lăn tăn thì cho thêm một chút xíu muối và một ít đường. Đường sẽ giúp tăng vị ngọt của ngô, muối giúp vị ngọt thanh hơn. Thay vì bỏ đường, bạn có thể cho vài khẩu mía chẻ nhỏ vào nồi luộc ngô.

Ngô luộc bắc ra, để nguội bớt, vừa thổi vừa ăn, ngon phải biết!

Đi chân đất… đi chân trần

Thời hiện đại, mọi người quen đi dép. Đi dép vì sợ bẩn, vì sợ đau, vì sợ dẫm phải cái này cái nọ, hãn hữu lắm mới đi chân đất một chút trên bãi cỏ hay ngoài bãi biển, nhưng là phải đi một cách rón rén.

Trong nhà dù đã lau sạch, cũng phải đi dép vì sợ lạnh chân, sợ cảm giác “ghê ghê” khi chân trần chạm đất.

Nhưng các bạn có biết không, chính cái cảm giác ghê ghê ở chân, cái cảm giác sàn sạn khi dẫm lên cát, cái cảm giác nhoi nhói khi dẫm lên sỏi, chính cảm giác kích thích khi đi chân đất – đi chân trần có tác dụng điều chỉnh cơ thể rất lớn.

Đi chân đất – đi chân trần kích thích các huyệt vị, kích hoạt các điểm điều chỉnh tuyệt vời ở lòng bàn chân. Sự va chạm khi bấm đầu ngón chân xuống đất sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon. Sự cọ sát vào các khe ngón chân sẽ giúp bạn có một hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Sự nhói đau khi dẫm lòng bàn chân vào sỏi sẽ giúp bạn cải thiện hệ tiêu hoá. Sự điều chỉnh cổ chân khi giữ thăng bằng và sự chịu lực ở gót chân sẽ giúp bạn đỡ mỏi gối, đỡ đau lưng.

Bản thân mình là người thích đi chân đất, nên đã phát hiện ra là các nhà vệ sinh hiện đại rất ít khi làm vòi nước dưới thấp để rửa chân. Dù không có vòi nước, thì các bạn cũng nên thường xuyên rửa chân nhé, rửa thật kỹ, kỳ cọ bàn chân, ngón chân và cổ chân, sẽ giúp giảm mệt mỏi, thư giãn và điều chỉnh cảm xúc cho bạn một cách đáng kể.