Chúng ta cùng xem nhật ký của một người Ý:
* Ngày Zero: 21 tháng 2
Chúng tôi phát hiện 20 ca nhiễm.
* Ngày thứ 2: 23 tháng 2.
Phát hiện 150 ca. Trường học đóng cửa. 11 thành phố bị cô lập.
* Ngày thứ 10: 1 tháng 3:
1.700 ca. Sức chứa của các nhà thương bị bão hòa. Hết chỗ.
* Ngày thứ 11: 2 tháng 3:
2.040 ca. Mười phần trăm số lượng bác sĩ ở Lombardy ngã bệnh hoặc đang phải chịu cách ly.
* Ngày thứ 17: 8 tháng 3:
7.400 ca. Lombardy và 14 tỉnh tự phong thành. 12 triệu người bị ảnh hưởng. Có báo cáo đầu tiên về người nhiễm bệnh nhưng không thể được chữa trị. Các nhà tù bắt đầu nổi loạn.
* Ngày thứ 19: 10 tháng 3
10.150 ca. Cả nước Ý trong tình trạng phong thành
* Ngày thứ 21: 12 tháng 3
15.000 ca. Hầu hết các cửa tiệm bán lẻ trên toàn nước đều đóng cửa. Lệnh cô lập được áp dụng bắt buộc. Quân đội thay thế cảnh sát.
Mọi thứ diễn ra quá nhanh và chúng tôi LUÔN LUÔN chậm hơn một bước.
Trừ phi đất nước của bạn có thể làm khá hơn và kịp được các diễn tiến của dòng thời gian vừa kể, dường như mọi thứ sẽ đều diễn ra y hệt nhau.
***
Bây giờ chúng ta cùng nghe chia sẻ của một bác sĩ Ý.
Bác sĩ Daniele Macchini, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán trong một bệnh viện nằm ở tâm dịch virus corona ở Ý, đã cho biết chi tiết về tình cảnh đau khổ mà ông đã chứng kiến và mối lo lắng sâu sắc của ông về sự lây lan của virus.
Bác sĩ Macchini ở Bergamo, một thành phố gần Milan ở miền Bắc nước Ý. Ông ví sự bùng phát dịch như một “cuộc chiến tranh” và như một “cơn sóng thần làm chúng ta choáng ngợp”.
“Tất cả sự biến đổi chóng mặt này đã kéo vào hành lang bệnh viện một bầu không khí trống rỗng mà chúng tôi không hiểu nổi, và chờ đợi một cuộc chiến sắp sửa bùng nổ mà nhiều người (có cả tôi) không thể ngờ đến sức tàn phá dữ dội của nó”.
Vào tuần trước, các phòng cấp cứu trong bệnh viện bỗng ồ ạt các bệnh nhân nhiễm COVID-19. “Cuộc chiến đã chính thức mở màn theo nghĩa đen và các trận chiến ngày đêm với dịch bệnh”.
“Lần lượt những người không may đến phòng cấp cứu. Họ không có bất cứ điều gì ngoại trừ các biến chứng của bệnh cúm”.
“Người bệnh đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi lời khuyên: tự cách ly ở nhà từ một tuần đến mười ngày nếu có triệu chứng sốt và không đi ra ngoài, để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nhưng bây giờ, họ không thể cố thêm được nữa. Họ không thở nổi, họ thiếu oxy”.
“Thảm họa dịch tễ học đang diễn ra. Và không còn phân biệt đâu là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu hay bác sĩ chỉnh hình nữa, những bác sĩ chúng tôi đột nhiên trở thành một đội duy nhất đối mặt với cơn sóng thần đang áp đảo chính chúng tôi”.
“Lý do dẫn đến nhập viện của bệnh nhân luôn giống nhau: sốt và khó thở, sốt và ho, suy hô hấp. Báo cáo chụp X- quang luôn cho cùng kết quả: viêm phổi kẽ hai bên, viêm phổi kẽ hai bên. Tất cả họ đều phải nhập viện”.
Bác sĩ Macchini cũng cho biết, cuộc sống riêng tư của các y bác sĩ giờ đây cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Họ không còn được gặp gia đình vì nỗi sợ lây nhiễm cho người thân.
“Đây là công việc của chúng tôi và chúng tôi không có lựa chọn. Chúng tôi cố gắng chữa cho càng nhiều người càng tốt, hoặc không thì có thể giúp họ bớt đi đau đớn khi ra đi”, vị bác sĩ nói.
Ông đề nghị những người mắc COVID-19 cân nhắc các hành động của mình sẽ tác động tới người khác như thế nào. Mặc dù tới 80% các ca nhiễm không nhất thiết phải chăm sóc tại bệnh viện và có nhiều ca có thể cảm thấy đủ khỏe để sinh hoạt bình thường, nhưng virus lây lan sẽ đặt người khác vào tình trạng nghiêm trọng hoặc gây tử vong cho những người lớn tuổi hoặc những người có tiểu sử bệnh tật.
“Vì vậy, hãy kiên nhẫn, bạn không nên tới nhà hát, đến bảo tàng hoặc phòng tập gym”, Macchini viết, “Hãy thương lấy vô số những người già mà có thể bạn sẽ là người mang bệnh đến cho họ”.
***
Chúng ta dường như đang thấy lại những gì đã diễn ra ở Trung Quốc. Dịch viêm phổi Vũ Hán cách đây 1 tháng cũng đã làm lộ rõ những lỗ hổng của ngành y tế Trung Quốc, đất nước từng tự hào là cường quốc thứ hai trên thế giới.
Một thống kê hồi giữa tháng 2 nói ở Vũ Hán có ít nhất 500 bác sĩ và y tá đã bị nhiễm bệnh và 6 bác sĩ đã chết.
Trên tuyến đầu chống dịch bệnh, các y bác sĩ ở đây lại phải đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị y tế và dụng cụ bảo hộ nghiêm trọng. Để tiết kiệm, khẩu trang khử trùng lại, mặc đồ bảo hộ công nhân thay vì là y tế, đồ bảo hộ một lần được thay sau mỗi 4, 6, thậm chí là 8 tiếng…
Trong thời gian trực, các y bác sĩ cũng không có thời gian để ăn cơm, uống nước, kể cả đi toa-lét. Một số người phải mặc tã dành cho người lớn trong suốt những giờ trực bệnh dài dằng dặc. Ngay cả khi bị ốm, nếu phát hiện bị sốt, họ sẽ bị cách ly. Nhưng nếu sau 7 ngày mà hết sốt, bệnh viện sẽ hối thúc họ quay trở lại làm việc ngay.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã huy động các chuyên gia trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng các bệnh viện tại đây vẫn bị quá tải. Mỗi một bác sĩ phải tiếp đến 400 bệnh nhân trong vòng 8 tiếng và phải thường xuyên đối mặt « với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh rất nặng, hay tình trạng sức khỏe đã bị suy biến và đi đến tử vong rất nhanh ».
Hình ảnh dòng người đông đảo trước cổng bệnh viện chỉ để chờ xét nghiệm xem có nhiễm virus hay không phản ảnh rõ tình trạng quá tải tại các bệnh viện, các cơ sở y tế của Trung Quốc.
Sức khỏe đã trở thành đối tượng bị hy sinh cho công cuộc phát triển duy ý chí của đế chế Trung Hoa. Cường quốc thứ hai thế giới này chỉ dành có 5% GDP cho lĩnh vực y tế, trong khi tại Liên Hiệp Châu Âu mức trung bình là 10%.
***
Sự lan tràn của virus Vũ Hán đang khiến cả thế giới bị hút vào, chăm chú theo dõi khi nó chưa đến gần, nhưng trở lên hoảng loạn khi nó sát kề bên.
Dường như nó là một sự sắp xếp của định mệnh, để loài người nhìn nhận ra những giá trị quan trọng của đời người.
Dường như, ngoài sự huỷ diệt, con virus này còn có sứ mệnh thức tỉnh, truyền đạt những thông điệp quan trọng đến chúng ta vào giờ khắc ngưng đọng này của lịch sử…
Phải chăng Virus muốn chúng ta sống chậm lại thai vì chúng ta đã sống quá nhanh?
Dịch bệnh khiến lòng người hoảng loạn. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta vốn vẫn hàng ngày lo âu đấy thôi. Giao thông hỗn loạn, ai cũng vội vã đi như chạy, mấy giây đèn đỏ cũng không thể kiên nhẫn chờ nổi. Nhưng đâu chỉ giao thông, việc gì chẳng biến thành chạy: chạy trường, chạy điểm, chạy việc, chạy tiền, chạy chức, chạy quyền, chạy ăn, chạy doanh số, chạy thành tích… Cuộc sống của chúng ta khác nào cuộc thi chạy, cuộc đời khác nào cuộc đua mà cái đích cuối cùng cũng chỉ là nghĩa trang?
Con virus quái gở khiến chúng ta phải dừng lại tất cả cuộc đua học hành, kiếm tiền, chạy chọt, toan tính, thi đua, tranh đấu… Thật tình cờ mà không ngẫu nhiên, nó khiến mọi người phải sống chậm lại, nó tạo ra thời gian cần thiết để chúng ta suy ngẫm về chính mình và cuộc đời. Virus khiến cuộc sống đình trệ lại, nhưng nó cho ta cơ hội dừng lại để nhìn xem ta đang sống vì điều gì, bằng cách nào và sẽ đi về đâu, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc đời mỗi con người…
Chúng ta đã tạo ra một xã hội hỗn loạn và cuốn theo nó, cuốn vào cái vòng luẩn quẩn, mà con người vừa là nạn nhân, vừa là nguồn gốc. Nếu tĩnh lại, người ta sẽ nhận ra cái khiến ta quay cuồng, bấn loạn đó là bởi ta không nhận ra những giá trị đích thực, chúng ta đã theo đuổi những điều huyễn hoặc.
“Lòng tham sinh ra tai họa”.
Khi dịch bệnh làm hàng ngàn người chết, chúng ta mới thấu hiểu tất cả những thứ hão huyền như danh, lợi, tình, không làm cho con người thoát khỏi virus.
Khi nhận ra tiền không mua được sức khoẻ và hạnh phúc, sự thật về những điều con người ta suốt đời theo đuổi được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng khác, và những giá trị mà ta tin tưởng bám chặt vào bấy lâu hoá ra cũng chỉ là ảo ảnh. Virus cho con người trải nghiệm sự vô nghĩa của những thứ ta tưởng là quan trọng.
Hoá ra virus không phân biệt sang hèn, không phân biệt thể chế chính trị, dân tộc, giới tính hay tuổi tác, giàu nghèo, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Nó không tha giới chính trị, quan chức, người nổi tiếng. Nó với ta rằng: “Con người sinh ra bình đẳng trước sự sống và cái chết.”
Cách đối phó với dịch bệnh ở Trung Quốc cho chúng ta thấy, nếu con người sống thành thật, chính trực, nếu thông tin minh bạch, virus đã không thể lây lan, virus sẽ bị chặn đứng từ sớm. Con người ở đó đã bưng bít, giấu giếm, để tô hồng vào một niềm tin ảo tưởng, một mục đích phù phiếm nào đó… Những giả dối hiển hiện hằng ngày, trong tiến trình bùng phát của virus Vũ Hán.
Mỗi con người chúng ta đã tạo nên một mảnh vỡ trong xã hội ngày một tan nát về đạo đức và lương tri. Thế giới đã bất ổn từ quá lâu rồi, đã mục rỗng từ bên trong, khi các giá trị đạo đức bị đảo lộn, cái xấu, cái ác, giả dối thống trị thế giới. Và mỗi người đều góp sóng thành bão trong đó.
Có lẽ cơn bão lớn, sóng thần dịch bệnh bên ngoài sẽ yên khi chúng ta thực sự tĩnh tâm lại, dẹp tan cơn bão tố trong lòng bằng cách gột rửa từ bên trong: thanh lọc đi những giá trị ảo, những thứ không cần thiết cho đời sống, những giả dối, lòng tham, độc ác, vô cảm, vô trách nhiệm…
Khi cái phần xấu trong mỗi người “chết” đi, thì cơ hội sống của con người sẽ tăng lên. Con người càng thành thật, tử tế, biết nghĩ cho cộng đồng, cho người khác thì càng có cơ hội bảo vệ chính mình và ngăn chặn sự lây lan phát triển của dịch bệnh. Con virus nguy hiểm nhất thực ra chính là khi con người đánh mất bản tính thiện lương, đánh mất những giá trị tốt đẹp, đánh mất đi chính mình trong vòng xoáy vật chất, danh, lợi, tình.
Trí huệ cổ xưa cho chúng ta biết thảm họa xảy ra đều là khi lòng người vô Đạo.
Hãy nhìn một đứa trẻ sinh ra, ngây thơ và thuần phác, để hiểu về bản chất của chúng ta khi đến thế gian này. Và thật tình cờ nhưng hẳn không phải là ngẫu nhiên khi trẻ em hầu như là đối tượng miễn nhiễm trong đại dịch.
Thiên tai, dịch bệnh là lời cảnh tỉnh để con người nhận ra chính mình trong mối quan hệ với Thiên Lý và Thiên Đạo. Sống hợp với lẽ Trời, thuận theo Thiên lý chúng ta mới có đủ sức mạnh nội tâm để vượt qua kiếp nạn.
Đại dịch vô hình nhưng không vô tình, nó là một phép thử nhân tính. Cái xấu và ác sẽ là nguồn năng lượng lớn để lan toả nó.
Nhưng nếu chúng ta sống chậm lại với một tấm lòng chân thành, thiện lương và nhẫn nại, thì đó có lẽ chính là cách nhanh nhất để kết thúc đại dịch này.